22.000 lon sữa cứu trợ về TPHCM gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, TPHCM
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, TPHCM
TPO - Dẫn câu chuyện 22.000 lon sữa từ Australia viện trợ cho trẻ em TP.HCM trong đại dịch nhưng gần 1 tháng chưa lấy ra được, đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi về cách làm của Cục An toàn thực phẩm. 

Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

TPHCM hơn 400 nghìn người nhiễm, gần 17 nghìn người tử vong

Tại điểm đầu cầu TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu thông tin, đợt dịch vừa qua TPHCM có hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong. Song theo đại biểu đoàn TPHCM, nếu không có sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và nhân dân cả nước, thì không biết hậu quả mất mát, đau thương, còn nặng nề đến mức nào", bà Châu nói. Đại biểu đoàn TPHCM cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, chí tình, chí nghĩa vừa qua để giúp vượt qua cơn đại dịch.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng phản ánh, với địa phương khi cần xin ý kiến quy định trong trường hợp “nước sôi lửa bỏng” phòng chống dịch, nhưng không phải cơ quan đơn vị nào cũng ý thức được điều đó. Đại biểu đơn cử, một đơn hàng với 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch tại TP.HCM. MTTQ thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y. Trong khi Cục Thú y trả lời đồng ý chỉ trong 2 ngày, thì Cục An toàn thực phẩm lại nói đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.

“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ cũng phải giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình tham mưu cho Chính phủ trả lời? Cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Và nếu không có gì thay đổi trong đánh giá hàng năm, cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy còn lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai”, đại biểu mong Chính phủ điện tử, Chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành và cá nhân cán bộ.

Bảo vệ an toàn cho trẻ em

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), đại dịch COVID-19 đã làm cho sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Chính phủ đã hành động rất quyết liệt, đề ra những giải pháp cơ bản sát với tình hình thực tế.

Đại biểu cũng cho rằng, do tác động của đại dịch, nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát có thêm các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc biệt là lao động tự do ngoài danh mục của các tỉnh.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hậu Giang cũng đề nghị Chính phủ xây dựng phương án ứng phó với tình trạng người lao động rời khỏi các thành phố lớn, khắc phục đứt gãy nguồn cung, thu hút lao động về làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục lại năng suất.

Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nhận định, nhiều biến cố do dịch tái bùng phát đã bào mòn sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế có nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp. Việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn linh hoạt sang trạng thái bình thường mới đang đặt ra vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ giải pháp căn cơ hơn trong phòng chống dịch để đất nước chuyển trạng thái bình thường mới. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em bằng việc tiêm vắc xin cho trẻ; tích cực nghiên cứu, phát triển vắc xin, thuốc điều trị COVID-19.

MỚI - NÓNG