Dự buổi lễ kỷ niệm có Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng – Phó Tư lệnh Hải quân, lãnh đạo các cơ quan của Quân chủng, Cục Chính trị Hải quân, các tướng lĩnh trong quân đội, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện các nhân chứng lịch sử, các gia đình anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, cựu chiến binh của Đoàn tàu không số cùng hàng chục đại biểu của một số tỉnh thành ven biển.
Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo của một số cơ quan thông tấn báo chí như: Nhân dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Xây dựng,.. cùng dự, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Cách đây 56 năm, đúng vào phút giao thừa Xuân Mậu Thân 1968, lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang vọng trên Đài tiếng nói Việt Nam: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.
Lời thơ đó như lời hiệu triệu, thúc giục quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vang dội Xuân Mậu Thân 1968.
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm 56 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 tàu của Đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt. |
Hòa chung với khí thế của cuộc Tổng tiến công nổi dậy này, Đoàn 125 Hải quân đã nhận được lệnh điều 4 tàu (C43, C56, C165, C235) đi làm nhiệm vụ đặc biệt vận chuyển vũ khí chi viện khẩn cấp cho các mặt trận từ miền Trung đến miền Tây Nam Bộ. Và trong cuộc chiến bi hùng đêm ngày 1/3/1968 trên vùng biển phía Nam, chỉ còn Tàu C65 quay trở về được miền Bắc; còn 3 tàu (C43, C156, C235) mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi, nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh cùng với con tàu.
Liên tiếp sau đó, quân và dân ta không kể ngày đêm, khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị, bí mật, bất ngờ, đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh thẳng các đô thị lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, cùng 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau và các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.
Thắng lợi quyết định mang tầm chiến lược, đặc biệt đã giáng đòn chí mạng làm lung lay ý chí xâm lược và phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Từ đó, chiến thắng nối tiếp, quân và dân ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975 lịch sử.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào hai miền Nam – Bắc.
Bốn tàu (C34, C56, C165 và C235) đi làm nhiệm vụ trong chiến dịch đều gặp địch và các anh đều đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi điểm hỏa khối thuốc nổ giấu sẵn ở trong tàu để hủy tàu, bảo đảm bí mật, vũ khí và con đường vận chuyển trên biển.
Các tướng lĩnh, đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Bến K15, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. |
Các cơ quan thông tấn báo chí dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. |
Với thành tích, chiến công đó, cả bốn tàu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các anh: Nguyễn Đắc Thắng, Nguyễn Chánh Tâm và Nguyễn Phan Vĩnh (đều là thuyền trưởng) đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thành phố Hải Phòng - thành phố cảng “Trung dũng - Quyết thắng” không chỉ là cái nôi ra đời và phát triển lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn được mệnh danh là Thủ đô của Quân chủng Hải quân.
Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc ngày nay, Hải quân nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự bao dung, che chở, đùm bọc giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân thành phố Hải Phòng. Mỗi chiến công, thành tích của lực lượng Hải quân đều có sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của đồng bào, chiến sỹ Hải Phòng.
Hàng nghìn người con ưu tú của Hải Phòng gia nhập quân đội phục vụ trong Quân chủng Hải quân, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ phục vụ ở Đường Hồ Chí Minh trên biển và họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều người con ưu tú của Hải Phòng đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Ông Đào Hồng Tuyển tặng quà tri ân các anh hùng, các nhân chứng lịch sử, các gia đình liệt sĩ, thương binh của 4 tàu đi làm nhiệm vụ đặc biệt. |
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Bến K15, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. |
Phát biểu tại buổi kỷ niệm, ông Đào Hồng Tuyển – Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, nhấn mạnh, lễ kỷ niệm vừa để tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ và nhân dân cả nước về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; về huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển... vừa để thể hiện sự tri ân sâu sắc của quân và dân ta đối với các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tri ân các anh hùng, liệt sỹ, các đồng chí cán bộ chiến sỹ 4 tàu của Đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
“Trước anh linh của các Anh hùng, liệt sỹ… nguyện tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, của quân đội và Quân chủng Hải quân anh hùng; tiếp tục phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 Hải quân hai lần anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Các cựu binh của Đoàn tàu không số tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, sống vui, sống khỏe và luôn làm gương cho con cháu noi theo”, ông Đào Hồng Tuyển nói.
Tại buổi kỉ niệm, đại diện lãnh đạo Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đã tặng quà tri ân cho các đồng chí anh hùng, các nhân chứng lịch sử, các gia đình liệt sĩ, thương binh của 4 tàu đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968.