> Phần 1: Tướng Giáp - Một phác thảo chân dung
Có lần anh mỉm cười trả lời: “Điều này phải hỏi Bác...”
2.
Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng ta cử sang Vân Nam gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Khi đó, anh hai mươi chín tuổi, đầy nhiệt huyết. Bác đã năm mươi, với ba chục năm đi tìm đường cứu nước đầy gian nan. Phạm Văn Đồng đã biết Bác từ năm 1927 tại Quảng Châu khi anh dự một lớp huấn luyện chính trị mà Bác là một giảng viên, và là người tổ chức "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội". Võ Nguyên Giáp mới gặp Bác lần đầu. Nhưng Nguyễn Ái Quốc đã trở thành thần tượng của anh từ đầu những năm hai mươi của thế kỷ khi còn ngồi trên ghế trường Quốc học Huế. Anh chỉ mong một lần được gặp Nguyễn Ái Quốc. Người thanh niên trong ảnh ngày trước, đội mũ phớt, mặc Âu phục có cặp mắt sáng quật cường, lúc này đã trở thành một ông già Á Đông rất bình dị, cái khác ở Bác là sự trầm lắng của một nhà cách mạng đã được tôi luyện. Anh chưa biết cuộc gặp sẽ mang lại một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời mình.
Tiền Phong trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn tiểu thuyết tư liệu Không phải huyền thoại của nhà văn Hữu Mai. Không phải huyền thoại là tiểu thuyết tư liệu đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Qua vài lần gặp, Bác nói: “Chú Văn sẽ lên Diên An học quân sự”. Phản ứng đầu tiên của anh là: “Từ trước tới giờ chỉ quen cầm bút chưa quen cầm kiếm”. Anh tốt nghiệp cử nhân luật và kinh tế, tham gia hoạt động cách mạng từ năm mười bốn tuổi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thường viết báo và dạy học. Sau đó, anh lên đường đi Diên An. Dọc đường, Bác gọi quay lại. Nước Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Bác thấy mọi người cần trở về nước ngay để chuẩn bị đón thời cơ. Nhiều người tiếc cho chuyện đi học quân sự không thành của anh.
Gần đây, một nhà nghiên cứu về quân sự người Mỹ hỏi: “Ông đã là giáo sư lịch sử, được biết ông giảng rất hay về Napoléon, xin ông cho biết đã chịu ảnh hưởng gì về mặt quân sự của vị tướng này?” Anh trả lời: “Tôi chưa hề nghĩ là về mặt quân sự mình có chịu ảnh hưởng gì của Napoléon hay không. Khi đó tôi ít chú ý đến công tác quân sự vì không hề nghĩ sẽ có ngày mình làm công tác quân sự. Còn công tác quân sự của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, rất khác với những gì Napoléon đã làm”.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám năm 1941 tại Cao Bằng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Võ Nguyên Giáp được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những hội cứu quốc ở Cao Bằng. Những đồng chí ở địa phương rất thương anh cán bộ nước da mỏng như da con gái, đôi chân trần chưa có một vết chai, lội suối sâu giá buốt, trèo núi đá tai mèo nhọn sắc, và họ ngại ngùng trong những đêm đông lạnh cùng đắp chung với anh chiếc chăn sui. Anh học tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mông, dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” (chương trình Việt Minh bằng thơ năm chữ) thành tiếng địa phương để đồng bào vừa cán bông, giã gạo vừa hát. Những nơi anh tới, phong trào phát triển rất nhanh. Địch phản ứng quyết liệt. Có lần anh đang công tác tại bản Nà Dú thì địch tới càn quét truy lùng cán bộ cách mạng. Bác cử người đến bảo anh trở về căn cứ. Anh đề nghị Bác cho ở lại cùng đồng bào chèo chống qua cơn nước lửa. Rồi Bác trao nhiệm vụ cho anh mở con đường Nam tiến qua vùng địch chiếm, bắt liên lạc với miền xuôi, trước hết là hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn này. Một lần, anh Phạm Văn Đồng ở với Bác tại khu căn cứ, kể lại với anh: “Bác nói: Chú Văn công tác rất tốt”.
Năm 1942, Bác ra nước ngoài gặp Đảng Cộng sản Trung Quốc, trên đường đi bị Quốc dân đảng Trung Hoa vu cho là Hán gian, bắt giam một thời gian dài. Tại Cao-Bắc-Lạng, phong trào cách mạng phát triển rất sôi nổi, rộng khắp. Địch lo sợ, tiến hành khủng bố trắng. Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng quyết định khởi nghĩa để bảo vệ phong trào. Tháng 9 năm 1944, chỉ còn chờ qua mùa gặt, đồng bào thu hoạch thóc lúa xong, thì cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu. Giữa lúc đó, có tin Bác thoát khỏi ngục tù Quốc dân đảng trở về. Đồng chí Vũ Anh và anh Văn lên Pác Bó gặp Bác. Đồng chí Vũ Anh khi đó là Ủy viên Trung viên Đảng.
Đồng chí Vũ Anh báo cáo với Bác về tình hình Cao-Bắc-Lạng và ý định của Liên tỉnh ủy muốn tiến hành khởi nghĩa. Bác cân nhắc rồi nói là điều kiện tổng khởi nghĩa chưa chín muồi. Nếu bây giờ khởi nghĩa đơn độc nổi lên ở Cao-Bắc-Lạng nhất định kẻ địch sẽ tập trung lực lượng đàn áp. Hiện nay không thể tiếp tục đấu tranh theo phương thức hòa bình, mà phải từ hình thức chính trị tiến lên quân sự. Chính trị còn trọng hơn quân sự. Ta sẽ lập đội quân giải phóng, lúc đầu chỉ cần tổ chức một lực lượng nhỏ. Dùng hình thức vũ trang gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng, sau đó mở rộng, phát triển dần lên.
Theo lời anh kể lại, anh hoàn toàn bất ngờ khi được Bác hỏi:
- Việc này trao cho chú Văn. Chú Văn có làm được không ?
Anh trả lời ngay:
- Thưa Bác, có thể được.
Sự thay đổi này cũng dễ hiểu. Từ sau khi có Nghị quyết 8 của Trung ương, suốt bốn năm qua, anh đã trực tiếp tham gia công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở Cao-Bắc-Lạng, và đã được thực tế rèn luyện, đấu tranh võ trang là phần quan trọng trong chương trình chuẩn bị khởi nghĩa mà mọi người đã từ lâu chuẩn bị.
Bác hỏi tiếp:
- Mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt, có thể như thế được không ?
- Thưa Bác, nhất định kẻ địch không thể tiêu diệt ta được.
Anh đã nghĩ đến lực lượng cách mạng bị địch khủng bố rất gắt gao những năm qua vẫn tồn tại thì đội quân cách mạng đầu tiên sẽ không thể bị chúng tiêu diệt.
Bác đặt tên đội quân chủ lực đầu tiên là Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
Võ Nguyên Giáp được trao nhiệm vụ đơn giản như vậy. Lúc này, anh cũng chưa hiểu hết những kỳ vọng Bác đặt vào đội quân nhỏ bé này.
Đêm hôm đó, anh ở lại với Bác tại hang Pác Bó. Hai người trao đổi tới khuya về đội quân sắp ra đời. Câu chuyện rất hào hứng khi bàn về tiền đồ của đội quân. Bác bỗng trầm ngâm rồi nói: “Người làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng” (đặt lợi ích chung lên trên hết). Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nói: “Dĩ công vi thượng”, suốt đời vì nước vì dân, không mảy may có chút suy nghĩ nào khác, là đạo đức cao cả nhất của người cách mạng. Tôi nhớ mãi câu này của Bác và phấn đấu suốt đời để làm theo”.
Đặc điểm của thời đại hiện nay là tốc độ vận hành của lịch sử mỗi lúc một nhanh, nhiều cái đã qua đang nhanh chóng chìm sâu vào quên lãng, không biết sau này có ai tin rằng một con người góp phần làm nên một sự nghiệp kỳ vĩ chỉ nhờ vào một câu nói như vậy!
(Còn nữa)