Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ

TPO - Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tôn vinh đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong những ngày hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi đây thu hút nhiều du khách...
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 1

Con đường chính dẫn lên Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 320 bậc, và được chia làm 3 chiếu nghỉ lớn. Hai bên trục hành lễ là 56 cột mốc được làm bằng đá xanh Thanh Hóa tượng trưng cho 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của bộ đội ta trong chiến dịch.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 2

Tượng đài được đặt trong cụm di tích Đồi D gồm D1, D2, D3 nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi D có vị trí quan trọng cùng với những quả đồi phía đông tạo thành bức tường thành bảo vệ trực tiếp cho phân khu trung tâm.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 3

Năm 2004, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ khánh thành. Tượng đài có chiều cao 12,6m, dựng trên bệ cao 3,6m, gồm 12 thớt (có những thớt nặng 40 tấn), được đúc bằng 217 tấn đồng nguyên chất. Đây là cụm tượng đài bằng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam hiện nay. Mẫu tượng đài để thi công là tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải (quê ở Cái Bè, Tiền Giang). Nhà điêu khắc Nguyễn Hải từng là lính của Tiểu đoàn 307 lừng danh.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 4

Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có 3 chiến sĩ đứng lưng tựa vào nhau, bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm một bó hoa, trên cùng là lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng. Trong đó, chiến sĩ phất cao lá cờ tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa. Khi sáng tác, tác giả liên tưởng đến chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Tướng De Castries ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 5

Chiến sĩ bế em bé dân tộc Thái trên tay tượng trưng cho những văn nghệ sĩ Quân đội đã và đang ngợi ca chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách. Hình ảnh em bé dân tộc Thái còn tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc phồn vinh, hạnh phúc.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 6

Chiến sĩ thứ ba trong cụm tượng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 7

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm uy nghi, sừng sững trên đồi D1 - ngọn đồi cao nhất thành phố Điện Biên Phủ. Từ tượng đài có thể quan sát toàn cảnh TP Điện Biên Phủ từ trên cao với tầm bao quát rộng lớn. Phía xa là sân bay Điện Biên Phủ.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 8

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông Trần Quý Lâm (61 tuổi, cựu chiến binh) chia sẻ: “Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 là cuộc chiến vô cùng ác liệt. Đất nước có được cơ đồ như ngày hôm nay là công lao to lớn của ông cha ta...”.


Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày gần đại lễ ảnh 9
Ông John Dalton, du khách người Australia cho biết, ông đã nghe nói về Điện Biên Phủ nhiều lần và đây là lần đầu tiên ông được đến thăm. "Ở Australia, chúng tôi thường xuyên được nghe về Điện Biên Phủ. Khi về nước, tôi sẽ kể về những dấu tích chiến trường năm xưa và bức tượng chiến sĩ Điện Biên Phủ", ông John Dalton nói.
Tin liên quan