Cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia Jack) còn được gọi là cây hậu phác, tho nan, sâm Alipas thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae. Loại cây này mọc ở khắp nước ta nhưng phổ biến nhất ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Ninh.
Cây bá bệnh ưa sống ở những vùng núi có độ cao dưới 1000 mét hoặc các khu vực trung du, Tây Nguyên hay những vùng đồi có chiều cao thấp. Đây là một loại cây bụi có thân mảnh có chiều cao khoảng 10m. Thân cây mọc thẳng đứng và thường không phân nhánh. Lớp vỏ bao bọc bên ngoài thân cây màu trắng xám hoặc vàng ngà. Khi trưởng thành, cây bá bệnh cho ra nhiều hoa và quả.
Theo Đông y, cây có vị đắng, tính ấm, dùng chữa nhiều bệnh như ăn không tiêu, tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ, ghẻ lở, mụn nhọt, đau mỏi lưng.
Tại Malaysia và Indonesia, cây này là một dược liệu quý với tên gọi phổ biến là Tongkat Ali. Người ta dùng quả, vỏ thân hoặc vỏ rễ phơi hay sấy khô làm thuốc.
Qua những công trình nghiên cứu gần đây, nhiều hợp chất từ cây Bá bệnh đã được phân lập. Thành phần hóa học của cây vô cùng phong phú và đa dạng. Các nghiên cứu đã chỉ nhiều tác dụng như chống ký sinh trùng sốt rét, gây độc tế bào, tăng cường sinh dục, chống tiểu đường, chống viêm và phòng ngừa loãng xương.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã phát triển nhiều sản phẩm từ cây Bá bệnh, chủ yếu tập trung vào các chế phẩm có tác dụng tăng cường sinh dục, bổ dưỡng. Tuy nhiên cho đến nay tác dụng chống viêm của loài cây này chưa được chú ý nhiều.
Mới đây các nhà khoa học của Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu về tác dụng chống viêm từ cây Bá bệnh trong kết quả của đề tài: “Nghiên cứu phân lập nhóm hoạt chất alkaloid từ cây Bá bệnh. Nghiên cứu do TS. Nguyễn Hải Đăng làm chủ nhiệm. Đề tài vừa được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN đánh giá xếp loại Xuất sắc.
Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã phân lập và xác định cấu trúc của 19 hợp chất từ rễ cây Bá bệnh, trong đó có 10 hợp chất thuộc khung alkaloid, 06 hợp chất quassinoid, 03 hợp chất phenolic, đặc biệt trong đó có 4 hợp chất mới gồm eurycomalide F, G, H và eurylongilactone A.
Đề tài đã khẳng định được hoạt tính kháng viêm in vitro và in vivo từ các mẫu cặn chiết tổng, chiết phân đoạn và các hợp chất phân lập từ rễ cây Bá bệnh. Nhờ đó tạo lập được cơ sở khoa học cho một công dụng nữa của loài cây dại nhưng vô cùng quý này.