77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021):

Tuổi trẻ Quân đội hướng về Người Anh cả

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với niềm kính yêu lớn dành cho Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, hai công trình tâm huyết của tuổi trẻ Học viện Hậu cần và Quân khu 4 trong cuộc thi tìm hiểu “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Nhân dân” cấp toàn quốc, đã thể hiện những tình cảm đặc biệt của thế hệ trẻ áo lính đối với vị tướng huyền thoại.

Lửa Hồng rực sáng

Được Ban tổ chức cuộc thi lựa chọn trao tặng một trong 3 giải A, công trình “Lửa Hồng rực sáng” của nhóm tác giả gồm 5 Bí thư Liên chi đoàn ở Học viện Hậu cần thể hiện sự tâm huyết và rất công phu.

Một trong hai người phụ trách chính công trình này, Thượng úy Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên, Bí thư Liên chi đoàn (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Học viện Hậu cần) chia sẻ, công trình là một khối tổng thể thống nhất với màu đỏ, vàng, xanh là chủ đạo, gồm 5 khối tượng trưng cho 5 cánh của ngôi sao vàng lấp lánh như ngọn lửa hồng luôn rực sáng. Đó là ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa cách mạng mà Đại tướng đã thắp lên như suối nguồn tuôn chảy mãi.

Khối thứ nhất là những hình ảnh nổi bật trong cuộc đời cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khối thứ hai là mô hình nhà lưu niệm của Đại tướng ở quê nhà Quảng Bình, gồm những kỉ vật gắn với thời thơ ấu của ông, được phục dựng công phu, tỉ mỉ bằng vật liệu tre, nứa và thiết kế hệ thống đèn điện trong gần hai tháng.

Khối thứ ba là mô hình đắp nổi tái hiện cảnh quân ta phất cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries, báo hiệu toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Khối thứ tư gồm tập san khổ A3 (gần 500 trang) và tập thơ sưu tầm hoặc do ĐVTN sáng tác, với gần 30 bài được viết bằng chữ thư pháp. Khối cuối cùng là những bức vẽ trên khổ giấy A4 hoàn toàn bằng bút chì về những dấu mốc lịch sử của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam do chính cán bộ, ĐVTN thực hiện.

“Cùng với đó là bài viết cảm nhận về những cống hiến của Đại tướng trong xây dựng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, một dấu mốc lịch sử mà những người làm công tác hậu cần chúng tôi luôn ghi nhớ. Toàn bộ công trình được thực hiện miệt mài trong 3 tháng. Cả nhóm tận dụng phòng sinh hoạt chung của đơn vị vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, phát huy tối đa tính sáng tạo của từng cá nhân đóng góp ý tưởng thiết kế mô hình”, Thượng úy Dũng cho biết.

Trung úy Trần Đức Hải, Chính trị viên, Bí thư Liên chi đoàn (Đại đội 10, Tiểu đoàn 3) nói thêm: “Chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến lớn lao của Đại tướng. Thông qua công trình thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ Quân đội nói chung, tuổi trẻ Học viện Hậu cần nói riêng nguyện noi gương Đại tướng, ra sức hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Kỳ công, sáng tạo

Với cụm 5 bài dự thi, nhóm tác giả của tuổi trẻ Quân khu 4 đã gửi gắm những tình cảm sâu đậm nhất đối với Đại tướng và giành giải B cấp toàn quốc. Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Trợ lý Thanh niên Quân khu 4 cho biết, hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuổi trẻ Quân khu đã tiến hành phát động, lan toả cuộc thi đến mọi cán bộ, ĐVTN. Sau gần 3 tháng, đã có 2.000 bài dự thi; 6 bài thi xuất sắc nhất đã được Quân khu gửi đi tham dự cấp toàn quân và toàn quốc.

Tuổi trẻ Quân đội hướng về Người Anh cả ảnh 1

Lãnh đạo Cục Chính trị Quân khu 4 kiểm tra cụm bài thi của tuổi trẻ Quân khu trước khi gửi đi dự thi cấp toàn quốc

Tối 21/12, tại Quảng Bình, T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chủ đề “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Nhân dân”. Đồng thời tổ chức các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo Thiếu tá Hùng, tất cả các bài thi trong cụm bài đều được các tác giả, nhóm tác giả thực hiện rất tỉ mỉ, kỳ công và sáng tạo. Tiêu biểu như mô hình con thuyền với chủ đề “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng Tổng Tư lệnh” của Đoàn cơ sở Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324), cho thấy hình ảnh con thuyền căng buồm lướt sóng ra khơi với một vị thuyền trưởng tài ba, đã kiên cường đương đầu với những gian nguy, bão tố để gây dựng sự nghiệp cách mạng thành công cho dân tộc.

Phần đỉnh mô hình với biểu tượng lá cờ có ảnh Đại tướng và chủ đề mô hình chính là biểu tượng chủ đạo của tác phẩm, thể hiện vai trò to lớn của Đại tướng đối với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Phần thân được thiết kế hình dạng với các cánh buồm biểu hiện đầy đủ về cuộc đời, thân thế sự nghiệp, phẩm chất cao quý và những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.

“Phần đáy mô hình đặt một bục nhỏ, tượng trưng cho vị trí chỉ huy của người thuyền trưởng anh dũng, dám đương đầu trước mọi khó khăn, thử thách. Phía dưới phần đáy được thiết kế hình sóng với logo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tên đơn vị. Những gợn sóng thể hiện chân thực về con thuyền đang lướt sóng ra khơi, cũng là hình ảnh Đại tướng chèo lái, giúp dân tộc Việt Nam chinh chiến giành thắng lợi”, Thiếu tá Hùng cho biết.

Là tác giả một trong 5 bài thi của cụm bài, Đại úy Bùi Văn Thắng (Đoàn cơ sở Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa) cho biết, bài dự thi gồm 207 trang, đi sâu phân tích về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, theo tiến trình thời gian từ lúc Đại tướng sinh ra trên quê hương Lệ Thủy cho đến lúc về cõi vĩnh hằng ở Vũng Chùa - Đảo Yến.

“Ngoài nội dung Ban tổ chức quy định, tôi còn nghiên cứu sưu tầm hơn 500 hình ảnh liên quan đến Đại tướng. Trong đó có rất nhiều nguồn tư liệu quý chia thành các nội dung khác nhau, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng như: Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tuổi trẻ Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng bạn bè quốc tế…”, Đại úy Thắng chia sẻ.

MỚI - NÓNG