Tuổi trẻ luôn xung kích trong công tác xã hội

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung và Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng tặng bằng khen cho một số cá nhân đạt thành tích trong CTXH Ảnh: Kiến Nghĩa
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung và Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng tặng bằng khen cho một số cá nhân đạt thành tích trong CTXH Ảnh: Kiến Nghĩa
TPO - Ngày 25/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp & Nghề công tác xã hội (CTXH) Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày CTXH Việt Nam năm 2017 với chủ đề: “CTXH Việt Nam - Vì hạnh phúc nhân dân”.

Tới dự Lễ kỷ niệm có ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội; bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc…

Ở Việt Nam, CTXH đã từng bước phát triển trong những năm qua. Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của CTXH trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, với quan điểm xuyên suốt là tăng trưởng kinh tế kết hợp đồng thời với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu:“Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Từ đó, CTXH đã chính thức được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức.

Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH cũng như ghi nhận những đóng góp của người làm CTXH, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 là ngày CTXH Việt Nam. Đồng thời, ngày CTXH Việt Nam còn có ý nghĩa phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm CTXH.

Về hoạt động CTXH, trong nhiều năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ vai trò là một trong những tổ chức đi đầu trong cung cấp các dịch vụ CTXH, hỗ trợ thanh niên và người dân, nhất là những người yếu thế vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, bình đẳng và phát triển; qua đó phát huy và đồng hành với thanh niên, giải quyết các vấn đề xã hội trong thanh thiếu nhi. Nhiều phong trào triển khai được cộng đồng, xã hội ghi nhận, đánh giá cao như: Phong trào Thanh niên tình nguyện với những hoạt động thiết thực như tiếp sức mùa thi, hè tình nguyện, tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, nghĩa tình biên giới hải đảo, trí thức trẻ tình nguyện, tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; thành lập các đội thanh niên xung kích ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động xã hội trợ giúp đồng bào và thanh thiếu nhi gặp thiên tai, tiếp sức thanh niên công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người già và thanh thiếu nhi... Các hoạt động đồng hành với thanh thiếu nhi cũng được thực hiện rộng khắp như tiếp sức đến trường, xây dựng nhà bán trú dân nuôi và vườn rau cho em ở vùng sâu, vùng xa; thành lập câu lạc bộ thanh niên khuyết tật; câu lạc bộ đồng đẳng; mô hình mỗi cơ sở đoàn giúp đỡ một thanh niên chậm tiến trở nên tiến bộ; tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên… Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn thường xuyên tổ chức các giải thưởng, tôn vinh những tấm gương vượt khó, khích lệ động viên thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vượt lên số phận.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí Thư Thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả hơn Đề án 32 của Chính phủ về phát triển nghề CTXH, trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục triển khai và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện tốt những nhiệm vụ: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về nghề CTXH trong tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên; định hướng đoàn viên và người dân tiếp cận các dịch vụ CTXH một cách hiệu quả. Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tình nguyện; phát triển mạng lưới tình nguyện rộng khắp trong cả nước; tập trung phát triển các dịch vụ CTXH, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, lồng ghép những kiến thức, kỹ năng CTXH cần thiết trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo ngành CTXH; Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên giảng dạy CTXH, đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất hượng đào tạo CTXH”.

Tuổi trẻ luôn xung kích trong công tác xã hội ảnh 1

Trao bằng khen cho các tổ chức có đóng góp cho hoạt động CTXH  Ảnh: Kiến Nghĩa

Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đã nêu bật tầm quan trọng của CTXH trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. “Đến nay, cả nước đã hình thành, phát triển được hơn 500 cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu; các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới khoảng 300.000 người làm CTXH ở các hội, đoàn thể các cấp và cộng tác viên CTXH, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Lĩnh vực đào tạo nghề CTXH chuyên nghiệp cũng ngày càng được quan tâm, số lượng các cơ sở có đào tạo chuyên ngành CTXH tăng nhanh”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

MỚI - NÓNG