Nhiều mô hình thiết thực
Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh Khánh Hoà đã thực hiện 51 công trình thanh niên cấp tỉnh, 355 công trình thanh niên cấp huyện và hơn 3.756 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng giá trị hơn 50 tỷ đồng.
Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống văn hóa và thu nhập của thanh niên nông thôn được tăng lên đáng kể.
Các mô hình Chung tay xây dựng nông thôn mới được duy trì hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn |
Nhiều mô hình mới được các cấp bộ Đoàn triển khai hiệu quả như: Tuyến đường kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; đường hoa, đường cây thanh niên; Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường cấp xã; phân loại xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình thành phân bón.
Các cấp bộ Đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 200 lớp học tập, tập huấn, ứng dụng thực tế về sự phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho thanh niên vùng nông thôn và miền núi; hợp tác xã thanh niên đã phát triển cả về số lượng lẫn quy mô giúp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao tại thị trường trong tỉnh, trong nước.
Tuổi trẻ Khánh Hòa thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa gắn với bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi thủy hải sản |
Phong trào “Tuổi trẻ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” được triển khai rộng khắp các cơ sở Đoàn với nhiều nội dung mới, sáng tạo, hiệu quả, tạo thành trào lưu tốt trong thanh niên và xã hội như: “Hành trình thứ 2 của lốp xe”, Ngày hội “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa”, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái tạo nguồn thủy sản biển…
Các hoạt động thu hút 700 nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia, duy trì 44 đội hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tổ chức hơn 2.000 đợt ra quân vệ sinh môi trường…
Các hoạt động tình nguyện an sinh xã hội được duy trì thường xuyên với các chương trình lớn xuyên suốt như “Tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện”, “Xuân biên giới, Tết hải đảo”, “Tháng Ba biên giới”... |
Các chương trình hỗ trợ thanh thiếu nhi cũng được chú trọng, tạo điều kiện tốt nhất để thanh thiếu nhi học tập, rèn luyện |
Phong trào “Tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội” được thực hiện thường xuyên, tạo dấu ấn xã hội tốt đẹp với các đợt tình nguyện cao điểm, đồng loạt, quy mô lớn như Chương trình “Tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện”, “Xuân biên giới, Tết hải đảo”, “Tháng Ba biên giới”, Tháng Thanh niên và Chiến dịch thanh niên Tình nguyện hè, Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, các hoạt động hướng về Biển đảo, về Trường Sa thân yêu, “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân giải quyết thủ tục hành chính”…
Phong trào Tuổi trẻ sáng tạo từng bước đi vào thực tiễn, thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi. Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng kiến” được triển khai tích cực. Có 32.113 ý tưởng, sáng kiến được đoàn viên thanh niên đề xuất trong nhiệm kỳ, hơn 15.475 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên tham gia trên Cổng Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Trung ương Đoàn.
Phong trào Tuổi trẻ sáng tạo được nhân rộng trong các cấp bộ Đoàn, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thanh niên ở khu vực hải đảo |
Sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều nội dung giải pháp thiết thực, tạo môi trường cho thanh thiếu nhi phát huy phẩm chất sáng tạo như: các cuộc thi sáng kiến ở các trường, lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ; phát triển hoạt động các câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật trẻ”; câu lạc bộ “Vườn ươm tài năng trẻ”; hội thảo, diễn đàn gặp gỡ chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực…
Sát cánh cùng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp
Triển khai đề án “Tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên” giai đoạn 2018-2022, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, tư vấn và định hướng nghề nghiệp trực tuyến; triển khai các giải pháp củng cố, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu làm giàu chính đáng của thanh niên.
Đồng thời, Tỉnh Đoàn cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ thanh niên vay vốn từ các nguồn ưu đãi, tạo điều kiện tiền đề cho thanh niên khởi nghiệp lập nghiệp. Hiện, có 185 tổ và 7.526 hộ gia đình thanh niên được vay vốn với số tiền hơn 238 tỷ đồng.
Các hoạt động của Tỉnh Đoàn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tạo môi trường năng động, sáng tạo cho đoàn viên thanh niên rèn luyện |
Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Đoàn tổ chức 52 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút hơn 35.000 lượt thanh niên tham gia. Trong đó, Tỉnh Đoàn tổ chức 4 cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ hiện thực hóa hơn 30 ý tưởng sáng tạo của thanh niên trong kinh doanh, sản xuất; 125 điển hình được tuyên dương.
Đề án Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp được hình thành và xây dựng; Dự án xây dựng Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn cũng tổ chức các hoạt động, phối hợp xây dựng các không gian khởi nghiệp cho thanh niên; kết nối giữa các dự án khởi nghiệp và các doanh nghiệp; tập huấn, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp tạo môi trường học tập kinh nghiệm khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên.
Trong 5 năm, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ hiện thực hóa hơn 30 ý tưởng sáng tạo của thanh niên trong kinh doanh, sản xuất |
Tỉnh Đoàn cũng tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ; tổ chức hơn 100 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp tục duy trì, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác “Thanh niên làm kinh tế”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”; tích cực tìm kiếm các giải pháp giúp ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản cho thanh niên…
Theo anh Bùi Hoài Nam - Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, trong nhiệm kỳ qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đã từng bước phát triển tích cực, trong đó, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào tuyên truyền sâu và rộng trong cấp bộ đoàn và nhân dân. “Các phong trào, chương trình được đổi mới sáng tạo linh hoạt về phương thức hoạt động, bám sát theo tình hình thực tiễn của từng khu vực góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương”, anh Nam nói.