Kỳ 1: Ai chở mùa hè của em đi đâu?
Chứng kiến cô bé ở nhà một mình đã định tháo quạt điện ra làm chong chóng, một cậu bé định trèo qua cửa sổ để chạm tay vào... cầu vồng. Lại có bạn nhỏ muốn “vượt ngục” để đi thả diều, hay một nickname thiếu niên chửi tục với bà ngoại vì bị bắt học quá nhiều... Đó chỉ một vài chuyện nhỏ trong chuỗi những ngày hè trẻ thơ bị đánh cắp...
“Thập diện mai phục” vào mùa hè
Mùa hè, ám ảnh là những đôi mắt trẻ thơ sau cánh cửa sắt của nhiều ngôi nhà ở Hà Nội. Những đôi mắt đen nhìn ra khoảng trời cao rộng bên ngoài, khắc khoải và khao khát...Một cô bé đứng trong cửa sắt của chung cư 29T - Trung Hòa - Nhân Chính nói với tôi: “Bố mẹ cháu đi làm cả ngày khóa cửa, ra nhiều bài tập cho cháu làm, làm chán thì cháu bật TV xem, xem chán cháu ra cửa nhìn trời. Nhìn chán cháu lại vào nhà. Ngày nào cũng như vậy. Chú ơi, cháu muốn tháo cánh quạt điện ra làm chong chóng”.
Nghe cô bé nói qua song sắt tôi lạnh người, vì chỉ cần tháo bộ phận nhựa bảo vệ ra, bé gái có thể bị điện giật.
Ngôi nhà bên cạnh cũng có một cậu bé đang ngồi bệt nhìn ra ngoài cửa sổ. Cậu bé đeo ở cổ một chiếc ống nhòm và mở cửa nhìn ra xung quanh. Cậu bé tâm sự: “Cháu chán bị nhốt suốt ngày trong nhà rồi. Chú ơi, hôm trước mưa xong cháu thấy cầu vồng 7 sắc hiện lên, rất gần. Cháu định trèo qua cửa sổ để chạm tay vào”.
Câu nói của cậu bé lên 6 khiến tôi giật mình nhớ tới một tai nạn thương tâm cách đây chưa lâu ở khu chung cư Hà Thành Plaza. Cũng ở nhà một mình, ngủ dậy không thấy bố, bé trai 5 tuổi trèo lên ghế đặt ngay cạnh giường và rơi từ tầng 15 xuống tầng 5. Khi xe cấp cứu đến thì đã quá trễ.
Vào mùa hè, lượng trẻ em vào viện cấp cứu tăng đột biến, trong đó có nguyên nhân vì các em phải ở nhà một mình. Theo thống kê của bác sỹ có 8 loại tai nạn thường gặp ở trẻ vào dịp hè: chết đuối, côn trùng đốt, rắn cắn, chấn thương do té ngã, tai nạn, ngộ độc, bỏng lửa, nước sôi, điện giật, sét đánh...
Biết nguy hiểm, nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải đành lòng để con ở nhà một mình vì không có lựa chọn nào khác. Chị Thanh Hà - ở chung cư 34T- Trung Hòa –Nhân Chính tâm sự: “ Ở quê chẳng còn ai, nhà không có giúp việc, chẳng lẽ đưa con lên cơ quan, nên phải cho cháu ở nhà một mình. Căn dặn đủ điều, 15 phút lại gọi điện về nhà một lần vẫn lo ngay ngáy”.
Ngôi nhà, bình thường là nơi an toàn nhưng với những đứa trẻ phải ở nhà một mình, có thể trở thành “thập diện mai phục”, những chiếc ổ cắm điện, phích nước sôi, bếp gas, ô cửa sổ… đều trở thành vật nguy hiểm.
Những đứa trẻ bị nhốt trong nhà ấy không chỉ bị “đánh cắp” mùa hè mà còn đối diện với rất nhiều rủi ro. Tâm sự của một cô bé ở trên mạng: “Với tôi, mùa hè là một địa ngục đen tối, tôi rất ghét mùa hè... vì cứ hằng năm hè đến tôi bị mẹ nhốt ở trong nhà từ sáng đến tối mịt. Mẹ cũng nấu cơm, phần cho tôi vào cái liễn như mọi khi và cất vào trong chạn bát. Được mấy ngày đầu tôi buồn chán lắm, cách biệt với lũ bạn bên ngoài với gian nhà 16m2, chỉ có ánh sáng qua ô cửa sổ nhỏ. Tôi thường đứng lên đó nhìn ngược nhìn xuôi hàng giờ lâu, chẳng có ai thèm đến chơi cả. Tôi lấy giấy ra, gấp thành máy bay, phi xung quanh nhà, nhà chật lắm nhưng nhìn những chiếc máy bay bay xung quanh được vài vòng là tôi mừng lắm rồi. Xong tôi lấy những hạt đỗ đen, đem xếp thành ô để tự chơi. Chơi mãi rồi cũng chán, tôi lấy giấy, dán thành diều, buộc chỉ vào rồi chạy xung quanh nhà, lên giường, lên bàn ghế. Chiếc diều ấy chỉ lên cao được đến gần trần nhà tôi thôi. Giá như chiếc diều này được mang ra khỏi nhà để thả thì bay lên cao phải biết! Tôi nảy ra ý định trèo ra khỏi nhà. Chiếc cửa sổ ấy, cái song sắt bé tí, chỉ cần tôi bẻ cong chút thôi là có thể chui được đầu qua...”. Những ý định “vượt ngục” kiểu như vậy đã đem đến bệnh viện nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi, đáng buồn hơn có em đã vĩnh viễn không còn thấy ánh mặt trời.
Nghỉ hè = học, học và học
Nhiều đứa trẻ tưởng may mắn hơn được ra khỏi nơi “tạm giam” nhưng lại rơi vào trận địa học thêm. Tổ dân phố T.P., (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), nơi chúng tôi sinh sống điểm qua có 51 đứa trẻ dưới 13 tuổi. Mồng 1/6 vừa rồi tôi ngạc nhiên khi thấy bé Bông (tên gọi ở nhà) chơi oẳn tù tì với đám trẻ trong khu phố. Bông ở đâu đến chơi? Tìm hiểu mới hay Bông là cư dân khu phố này hiện đang học lớp 3, trường Tiểu học N.T. Tôi ít khi gặp Bông bởi tầm 6 giờ rưỡi sáng mẹ đã chở em đến trường. Tan học buổi chiều mẹ lại đến trường đón em đi học một lớp tiếng Anh ở một địa điểm khác tới 8 giờ tối mới về nhà.
Hè về Bông lại tiếp tục theo học chương trình “học kỳ 3”. Mẹ em cho rằng nếu không đi học thêm thì vào năm mới sẽ không đuổi kịp bạn bè. Vậy là giữa nắng hè tuần bốn buổi, Bông đánh vật với Toán - Văn - Ngoại ngữ và đàn piano. Tôi hỏi đùa mẹ Bông: “Chị bắt bé Bông học nhiều thế không sợ tổ dân phố kết tội chị đánh mất tuổi thơ của con mình sao?”. Chị ra sức thanh minh: “Vẫn biết là con được nghỉ hè ở nhà thì cháu sẽ vui hơn rất nhiều. Nhưng nhà neo người, hai vợ chồng chúng tôi đi làm cả ngày, từ sáng đến tối mịt mới về, để cháu ở nhà một mình không yên tâm, chi bằng cho con đi học thêm”.
“Thứ ba, năm, bảy học thêm Văn, Toán; thứ tư, thứ sáu học Anh văn với thầy riêng tại nhà; thứ hai và chủ nhật em học thêm Anh văn ở trung tâm”, đó là thời khóa biểu của một học sinh ở quận Đống Đa - Hà Nội. Bố mẹ bắt em “chạy sô” như vậy để hướng tới mục đích... thi vào trường Hà Nội - Amsterdam, dù em mới học lớp 3.
Hội chứng học ép cho hệ quả: Status được đăng tải trên facebook với những lời lẽ miệt thị bà ngoại thậm tệ đã khiến cộng đồng facebook phẫn nộ mới đây là một ví dụ điển hình. Nickname có tên Quỳnh Anh ở khu vực Kim Mã- Hà Nội “tâm sự” trong Status: “Nghỉ hè bắt người ta học thì làm sao mà học được? Ai chả thích đi chơi. Cấm được bố mày à. Chúng mày lúc nào chả học với làm việc nhà”.
Nhiều trẻ bị rối loạn lo âu
PGS. TS Nguyễn Trọng Thông, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, có nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh rối loạn lo âu mà ông gặp đã cho rằng những nỗi lo âu của họ bắt đầu từ thời thơ ấu. Đó có thể là do tuổi thơ bất hạnh, nhiều nghịch cảnh, chứng kiến những hình ảnh gây tổn thương, nhưng cũng không loại trừ những yếu tố nguy cơ sinh bệnh như đứa trẻ bị bố mẹ tạo nhiều sức ép như phải học giỏi ở nhiều môn học, một khi không đạt được thì luôn lo sợ bị bố mẹ mắng. Hoặc, những đứa trẻ phải sớm thường xuyên ở nhà một mình trong căn nhà trống vắng không có người lớn bên cạnh thường có cảm giác lo âu. Chúng sẽ thấy lo sợ khi bị bố mẹ “bơm” cho một số tình huống có thể xảy ra cần cảnh giác, kiểu như “chớ cho người lạ vào nhà”, “đừng sờ nhiều vào các đồ điện nó lại giật cho”, “bật bếp ga thì cẩn thận kẻo nó nổ một phát thì toi đời”…
Một học sinh lớp 6 là người quen của nhà nghiên cứu tâm lý gia đình Trịnh Trung Hòa có lần tâm sự với ông: “Nghỉ hè cháu thấy buồn lắm vì không có ai chia sẻ. Ngày nào cũng giống ngày nào, cháu một mình quanh quẩn trong nhà”. Mới đây, vị chuyên gia tâm lý này có tư vấn cho cặp vợ chồng có cậu con trai lên 12 tuổi tính tình vốn hiền lành nhưng thời gian gần đây luôn có những hành động chống đối lại bố mẹ. Nguyên nhân được cho là do bố mẹ thúc ép học thêm nhiều quá, lại phải học những môn cậu không yêu thích, cậu thấy nhàm chán. Cậu luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, chán nản.
(Còn nữa)
Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích: “Mùa hè là thời gian tốt nhất để người lớn giúp con em mình thực sự được hưởng niềm vui tuổi thơ. Sân chơi của con mình suốt mùa hè chỉ là những ngày triền miên đi học thêm và loanh quanh trong bốn bức tường, theo tôi chúng ta không những không đem lại điều gì bổ ích cho con trẻ, mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ, nhất là khả năng sáng tạo của các em. Tôi thấy câu hát: Ai chở mùa hè của em đi đâu… đang rất đúng với nhiều trẻ em bị “đánh cắp” mùa hè hôm nay”.