Giai điệu tự hào số 5: “Chiếc vé” về với tuổi thơ

Diva Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh thể hiện ca khúc "Đưa cơm cho mẹ đi cày".
Diva Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh thể hiện ca khúc "Đưa cơm cho mẹ đi cày".
TPO - Với các bài hát thiếu nhi được sáng tác vào những năm tháng lửa đạn của dân tộc, Giai điệu tự hào số thứ 5 với chủ đề Bé bé bằng bông phát sóng hôm qua, 31/5, trên VTV1 thực sự đã trở thành một góc hoài niệm, một “chiếc vé” quý giá để bước lên “chuyến tàu kí ức” trở về tuổi thơ của không ít khán giả cả già, cả trẻ.

Cánh diều âm nhạc vượt thời gian

Trở về tuổi thơ dưới khía cạnh thời gian là một điều không tưởng. Nhưng con người luôn có thể gợi nhớ về năm tháng trẻ thơ thông qua những câu ca, hoài niệm, những sẻ chia.

Giai điệu tự hào số 5 đã tạo nên sự khác biệt so với các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi đơn thuần khi nhận sứ mệnh là cầu nối thời gian và thế hệ.

Khán giả lớn tuổi xem để sống lại tuổi thơ và những năm tháng lịch sử của lứa tuổi mình, từ tình yêu dành cho vị cha già của dân tộc (Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng); đến trách nhiệm, công việc hàng ngày của một em bé nhà nông (Đưa cơm cho mẹ đi cày); hay niềm tin về ngày đại thắng của đất nước mình thông qua những lời ca vô cùng bình dị của Bé bé bằng bông

Khán giả trẻ hôm nay xem để biết về một thời tuổi thơ của cha ông, dẫu có muôn vàn gian khó nhưng vô cùng giản dị, trong sáng; đồng thời cũng để tìm lại những kí ức về thời thơ trẻ của mình. Bởi cho dù các ca khúc trong chương trình đã được sáng tác từ rất lâu, nhưng trẻ em thời nào cũng có những điểm chung nhất định.

Đó là niềm vui khi đến trường (Đi học), khi chung tay “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” với Em làm kế hoạch nhỏ, và cả những cảm xúc hân hoan khi hoa phượng nở báo hiệu mùa hè trong Mùa hoa phượng nở

Giai điệu tự hào số 5: “Chiếc vé” về với tuổi thơ ảnh 1

Ca khúc "Mùa hoa phượng nở" với phần thể hiện của nhóm Năm dòng kẻ

Phần lớn các tiết mục trong Giai điệu tự hào số 5 đều nhận được sự ủng hộ cao từ hai hội đồng khán giả về cả dàn dựng và trình diễn, đặc biệt là những tiết mục do các ca sĩ nhí biểu diễn đã tạo nên những cảm xúc mạnh đối với khán giả xem truyền hình.

Trong số đó có thể kể đến ca khúc Lì và Sáo của nhạc sĩ Văn Chung qua sự thể hiện của Vũ Song Vũ và Thế Quang với màn múa bóng công phu, hay sự phối hợp ăn ý, mượt mà về cả giai điệu và cảm xúc của 2 mẹ con diva Mỹ Linh trong ca khúc Đưa cơm cho mẹ đi cày.

Giai điệu tự hào số 5: “Chiếc vé” về với tuổi thơ ảnh 2

Vũ Song Vũ và Thế Quang thể hiện ca khúc "Lì và Sáo" và màn múa bóng minh họa ấn tượng

Hai mẹ con Mỹ Linh - Mỹ Anh với ca khúc "Đưa cơm cho mẹ đi cày"

Tuy nhiên, như nhiều số trước, ở chương trình lần này tiếp tục nảy ra cuộc tranh cãi của 2 thế hệ về sự phá cách của ca sĩ khi xử lý các ca khúc xưa trong trường hợp bài hát Đi học (nhạc Bùi Đình Thảo, lời thơ Hoàng Minh Chính) với sự làm mới của ca sĩ Hải Bột cùng cây guitar và dàn nhạc cổ điển.

Nhiều khán giả lớn tuổi không đồng tình với những phá cách làm sai lệch giai điệu và lời ca của bài hát, làm cho ca khúc không còn phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Nhưng đại diện hội đồng khán giả trẻ - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến lại cho rằng đây là một ca khúc mà mọi lứa tuổi đều có thể hát được, và với mỗi lứa tuổi sẽ có những cảm xúc riêng, cách xử lý riêng.

Ai đã “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ?

Giai điệu tự hào luôn không chỉ dừng lại ở âm nhạc. Đó cũng là điểm đặc biệt của chương trình này. Hội đồng khán giả không chỉ nghe nhạc mà hoàn toàn có thể lấy âm nhạc là điểm tựa để phản ánh và trình bày quan điểm về các vấn đề xã hội và cuộc sống hiện nay.

Ở số thứ 5 này, các khách mời đã từ âm nhạc tiến đến chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề mang tính thời sự, trong đó có vấn đề giáo dục của nước nhà.

Đại đa số các thành viên đến từ hai hội đồng khán giả đều cho rằng: trẻ em hiện nay đang bị “đánh cắp tuổi thơ” mà biểu hiện chủ yếu là việc các em không còn đủ 3 tháng hè như vốn có.

Trước nhiều ý kiến cho rằng đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, của toàn xã hội, nghệ sĩ hài Xuân Bắc đã di dỏm chia sẻ: nên “xử phạt hành chính” và “bỏ tù” những người đã “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ em.

Nhưng xác định ai là đối tượng xử phạt thì lại không phải là việc đơn giản và đó càng không phải là vấn đề có thể giải quyết trong khuôn khổ của một chương trình âm nhạc.

Một trong những việc thiết thực nhất mà những người làm nghệ thuật có thể mang đến cho thiếu nhi lúc này chính là việc sáng tác thêm nhiều ca khúc trẻ em, đúng như lời khẳng định của MC Thu Nga khi chương trình kết thúc: “Kho tàng âm nhạc Việt Nam luôn không thể thiếu những ca khúc viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi.”

MỚI - NÓNG
Nhân chứng kể thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người tử vong
Nhân chứng kể thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người tử vong
TPO - Rạng sáng 9/9, 2 vụ sạt lở liên tục xảy ra ở xóm Lũng Lỳ và Khuổi Ngọa (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) đã khiến 40 người tử vong và nhiều người mất tích. Đến sáng 15/9, cơ quan chức năng đang tiếp cận hiện trường trục vớt những chiếc xe gặp nạn, khắc phục hậu quả và tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích.