Tuần tra cùng Cảnh sát Biển

Tuần tra cùng Cảnh sát Biển
TP - Gần một tháng trời, phóng viên Tiền Phong lênh đênh cùng tàu Cảnh sát Biển (CSB) thuộc Vùng CSB 2 tuần tra trên biển Trường Sa.

> Cứu tàu cá trôi dạt tại Trường Sa

Huấn luyện trên biển Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thành
Huấn luyện trên biển Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Kỷ niệm Bình Minh 02

Từ cảng Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam), tôi lên tàu CSB mang số hiệu 4032 thuộc hải đội 201 (Vùng CSB 2). Cùng thời điểm, từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tàu CSB 6006 cũng xuất phát. Hai tàu gặp nhau giữa biển hợp thành biên đội, cùng đạp sóng ra Trường Sa.

Thượng tá Trần Quang Tuấn, Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng CSB 2, cho biết: “Lực lượng Cảnh sát Biển giỏi chuyên môn nghiệp vụ và can trường”.

Làm chủ, chỉ huy biên đội tàu là hai thuyền trưởng còn rất trẻ. Thuyền trưởng tàu CSB 4032, Đại úy Phạm Nguyên Phú, 32 tuổi, quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2004, Phú được phân công về CSB Vùng 5 (Phú Quốc) làm thuyền phó tàu CSB 5011. Hơn 6 năm làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, lập nhiều chiến công trong truy bắt tàu cá vi phạm chủ quyền, tàu làm ăn bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam.

Năm 2009, Phú về CSB Vùng 2 làm thuyền trưởng tàu CSB 2014. Một trong những chiến công của anh là chỉ huy bắt giữ tàu Hương Điền 09 chở quặng titan trái phép.

Đầu năm 2010, Phú trở thành thuyền trưởng tàu cao tốc CSB 4032, con tàu từng tham gia thành công nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 bị tàu ngư chính Trung Quốc cắt cáp khi đang khảo sát thăm dò dầu khí trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Nhiệm vụ Bình Minh 02 là kỷ niệm đáng nhớ đối với Phạm Nguyên Phú và anh em thủy thủ đoàn hai tàu 4032 và 2012. Bởi đây là nhiệm vụ nguy hiểm. 74 ngày trên biển, 2 tàu Cảnh sát Biển cùng tàu Hải quân sát cánh cùng nhau bảo vệ thành công tàu Bình Minh 02.

Anh em thủy thủ tàu 4032 nói, đây là chuyến công tác đặc biệt, kéo dài trên biển lâu nhất từ trước đến nay, căng thẳng từng giây.

Và ít ai biết rằng, sự kiên quyết, quả cảm của thuyền trưởng trẻ Phạm Nguyên Phú đã góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt này, làm tàu ngư chính Trung Quốc phải rút lui. Sau chuyến công tác, Phú được phong quân hàm trước niên hạn.

Và bây giờ, lần thứ tư Phú ra Trường Sa.

Thuyền trưởng Phạm Nguyên Phú chỉ huy tàu CSB 4032 trên biển Trường Sa
Thuyền trưởng Phạm Nguyên Phú chỉ huy tàu CSB 4032 trên biển Trường Sa.

Huấn luyện trên đầu sóng

Sau gần 3 ngày đêm, 2 tàu đạp sóng nối đuôi nhau có mặt ở Trường Sa. Nhiều anh em đã mệt đừ vì say sóng. Trung sĩ Đình Trung (21 tuổi) phụ trách cơ yếu tàu 4032, một trong những chiến sĩ trẻ lần đầu tiên theo tàu thực hiện nhiệm vụ.

Suốt hành trình, Trung say sóng, nhưng khi nghe đến nhiệm vụ là bật dậy tỉnh như sáo. Vào vùng được 2 năm, đã từng theo tàu đi tuần tra trên biển nhưng đây là lần đầu Trung được đến Trường Sa.

Vừa chống đỡ từng đợt sóng, say sóng, vừa thao tác chuẩn xác tuyệt đối. “Ngành 5 cấp điện. Máy giữa tiến !” - thuyền trưởng ra khẩu lệnh qua bộ đàm. “Ngành 5 nhận đủ. Máy giữa tiến !” - trực ngành 5 đáp trả. “Tổ neo vào vị trí. Chuẩn bị thả neo !”. “Tổ neo nhận đủ. Chuẩn bị thả neo !”….từng khẩu lệnh được đưa ra, và thực hiện theo đúng trình tự, đòi hỏi chính xác tuyệt đối từng bộ phận trên tàu.

Tình huống giả định là đang vây bắt tàu buôn lậu trên biển. Biên đội trưởng, thuyền trưởng, bộ phận thực thi pháp luật xác định thông tin về mục tiêu.

Lực lượng thực thi pháp luật cơ động tiếp cận tàu. Tàu vi phạm phát hiện có tàu CSB nên tiến hành các hành động đối phó: tăng tốc độ, đổ dầu lên boong tàu, để các vật dụng làm tàu CSB khó tiếp cận. Tàu CSB được lệnh khẩn trương tiếp cận, bằng mọi biện pháp, kiên quyết kẹp sát tàu vi phạm.

Sau gần 1 giờ đồng hồ đấu tranh, đội thực thi pháp luật của tàu đã tiếp cận được tàu vi phạm, tiến hành nghiệp vụ xác định số lượng vi phạm của tàu nghi phạm và tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Cảnh sát biển và ngư dân giữa Trường Sa
Cảnh sát biển và ngư dân giữa Trường Sa.

Ấm áp quân dân

Biên đội tàu CSB thả neo 3 ngày ở vùng đảo Song Tử Tây. Hàng chục tàu cá ngư dân miền Trung đánh bắt ở Trường Sa, hay tin tiến về neo đậu gần tàu. Nhiều tàu đã đánh bắt cả tháng trời trên biển cá mực đầy khoang. Những nụ cười trên những khuôn mặt cháy đen, những cái vẫy chào thân thương của ngư dân dành cho những chiến sĩ tàu CSB còn đọng lại.

Theo cano của tàu 4032, tôi lên tàu cá của ngư dân Phú Yên số hiệu PY 90846 TS. Sau gần 1 tháng đánh bắt trên biển Trường Sa, cá đã đầy khoang.

Tàu còn hơn nửa tháng nữa sẽ kết thúc đợt khai thác để về đất liền. Có khách, anh em thuyền viên nghỉ tàu giăng câu, bện cước tiếp đón nồng hậu.

Tôi xin phép được theo đánh bắt một chuyến cùng anh em. Thuyền trưởng Đặng Văn Tân gật đầu liền. Tàu cá công suất 165 CV của anh Tân đã có tuổi đời gần 10 năm.

Thuyền trưởng Tân nhớ lại: Năm 2009, khi đánh bắt ở Trường Sa tàu anh gặp giông lớn, tàu chết máy trôi dạt giữa biển.

Anh em hoang mang, lo lắng. May mắn thay, anh được tàu CSB đang làm nhiệm vụ gần đó kêu gọi và hướng dẫn về neo đậu gần tàu để tránh giông.

Sau lần đó, anh Tân và thuyền viên của tàu thêm yêu và gắn bó với những người lính CSB. Bởi thế đang đánh bắt ở vùng biển cách đảo Song Tử Tây gần 30 hải lý, nghe tin tàu CSB ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tàu của anh Tân quay vào để gặp mặt, mang cá tôm đánh bắt được cho anh em CSB cải thiện bữa ăn.

Đáp trả, tàu CSB 4032 mang tặng anh em thuyền viên, thịt, nước ngọt, dầu mang từ đất liền ra. Nghĩa tình giữa chiến sĩ CSB và ngư dân giữa biển khơi thật ấm áp.

Cứu tinh giữa biển cả

 Ngư dân đánh bắt ở Trường Sa luôn đối diện nhiều rủi ro, bất trắc. Tàu CSB luôn có mặt kịp thời giúp đỡ ngư dân chúng tôi. Không chỉ cứu tàu cá, cứu tính mạng anh em chúng tôi, CSB còn cung cấp dầu, lương thực, nước ngọt để anh em vững tin tiếp tục hành trình 

“Tàu BTh 98267 TS gọi tàu cảnh sát biển”, giọng của ngư dân Võ Thành Trí (Phú Quý, Bình Thuận) gấp gáp lặp lại trên hệ thống loa trên tàu CSB 6006 và 4032.

“Tàu Cảnh sát biển 6006 nghe rõ”, thuyền trưởng tàu 6006 Quản Đình Dương đáp. “Tàu BTh 98267 gặp sự cố, đang trôi dạt ở vùng biển Trường Sa cách đảo Sinh Tồn Đông 7 hải lý. Chúng tôi cần giúp đỡ”…

Cuộc đàm thoại lúc gần sáng đánh thức cả biên đội tàu. Tàu BTh 98267 đang gặp sự cố. Ngư dân đang cầu cứu trên biển. Đồng hồ chỉ đúng 4h sáng 24-5. Vị trí tàu gặp sự cố được xác định trên
hải đồ.

Biên đội trưởng, Thượng tá Trần Quang Tuấn chỉ đạo tàu 6006 lập tức cử người, hạ xuồng hướng về phía tàu cá gặp nạn.

“Tàu ngư dân Bình Thuận có 15 thuyền viên, bị chết máy trôi dạt suốt cả đêm. Ngư dân hoảng loạn. Đề nghị cho chỉ đạo” - thuyền phó Lương Ngọc Báu, từ tàu ngư dân Bình Thuận báo cáo.

“Khắc phục sự cố. Ổn định tâm lý anh em. Hướng dẫn ngư dân về neo đậu mạn phải tàu, tránh gió để sửa chữa” Thượng tá Tuấn chỉ đạo.

Tàu cá ngư dân Bình Thuận được CSB vùng 2 cứu ngày 24-5
Tàu cá ngư dân Bình Thuận được CSB vùng 2 cứu ngày 24-5.

Sau gần 2 giờ, anh em bộ phận cơ yếu tàu CSB 6006 tạm thời khắc phục sự cố cho tàu cá, để có thể chạy về với tàu CSB 6006. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tàu BTh 98267 cập mạn tàu 6006 để tiếp tục sửa chữa.

Toàn bộ anh em thuyền viên tàu cá được đưa lên tàu để cán bộ quân y chăm sóc. Đến chiều tối cùng ngày, sự cố được khắc phục, tàu cá và ngư dân đã có thể tiếp tục ra khơi.

Thuyền trưởng tàu BTh 98267 Võ Thành Trí (33 tuổi), kể: Tối 23-5, tàu anh đang đánh cá thì biển động mạnh. Trên đường về đảo Sinh Tồn Đông để tránh trú, bất ngờ gặp đợt sóng lớn đánh mạnh khiến tàu chao đảo chết máy.

Trôi dạt gần 5 giờ đồng hồ, anh Trí cố gắng giữ lái không để tàu lạc phương hướng, trong khi anh em thuyền viên bắt đầu hoang mang. Rất may, tàu CSB kịp đến
ứng cứu.

Trước lúc tàu BTh 98267 rời mạn tàu CSB 6006, để động viên ngư dân, tàu bơm tiếp nước ngọt, cung cấp thực phẩm cùng quần áo tư trang để tiếp tục hải trình đánh bắt còn dang dở. Anh em biên đội tàu CSB vẫy tay chào. Có tiếng hét lớn át tiếng sóng gào hướng về ngư dân: “Anh em ơi ,
cố lên nhé!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG