Ngày 21/11, tại Hà Nội lần đầu tiên tề tựu sắc màu dân tộc và sản phẩm quýt nọt của đồng bào Tu Dí, Pa Dí, Nùng, Hmông, Dao, Phù Lá… ở miền biên giới Mường Khương, cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai.
Ngày 21/11, tại Hà Nội diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai.
Chương trình có các gian hàng giới thiệu sản phẩm quýt (quýt quả, cây quýt giống) và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của huyện Mường Khương và tỉnh Lào Cai như tương ớt, gạo Séng cù, cam, chuối, dứa, đậu tương vàng...
Đặc biệt có sản phẩm quýt ngọt được nhân dân các dân tộc Tu Dí, Pa Dí, Nùng, HMông, Dao, Phù Lá…trồng tập trung tại 6 xã, thị trấn của huyện Mường Khương. Các vùng quýt được trồng ở độ cao từ 1.000-1.400 m so với mặt nước biển; khí hậu mát quanh năm. Thời gian thu hoạch quýt của huyện Mường Khương kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau với 3 cơ cấu sản phẩm là quýt chín sớm – quýt chính vụ - quýt chín muộn.
Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Năm 2017, sản phẩm quýt ngọt của huyện đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt Mường Khương” và được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lĩnh vực trồng trọt (VietGAP). Năm 2020, quýt ngọt Mường Khương được cấp chứng chỉ OCOP loại ba sao của tỉnh Lào Cai.
Theo ông Dương, sản lượng quýt hiện nay của huyện đạt gần 3.000 tấn và đến năm 2021 đạt khoảng 5.000 tấn và sản lượng này tăng dần qua các năm và tăng theo số lượng vườn quýt đến tuổi được thu hoạch. Hiện trên địa bàn huyện Mường Khương người nông dân đang tập lập thu hoạch; nhiều chuyến hàng chuyển đi nhiều địa phương trong cả nước và xa nhất là lô hàng xuất khẩu 20 tấn quýt ngọt Mường Khương sang nước Nga.
Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai diễn ra từ nay đến ngày 25/11.
Trong chương trình, tỉnh Lào Cai và Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.