Ngày 19/11, tại Diễn đàn nông nghiệp mùa thu năm 2020, thay vì kêu than khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp nông nghiệp đã chia sẻ những cách làm mới giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Cty GC Food cho biết, khách hàng của DN là hệ thống nhà hàng, quán ăn tại các thành phố lớn. Đại dịch khiến nhà hàng đóng cửa, ngưng trệ xuất khẩu, DN bên cạnh bán giải cứu nông sản, trong thời gian giãn cách xã hội, tận dụng kênh thương mại điện tử, facebook, zalo bán hàng.
“Bán lẻ đến từng khách hàng khiến chi phí vận chuyển tăng lên. Thậm chí, khách hàng mua 1 kg chúng tôi cũng giao hàng tận nhà, tiền lãi gần như không có do chi phí giao hàng lớn. Tuy nhiên, giai đoạn này, doanh nghiệp cần làm quen với khách nên chấp nhận không có lợi nhuận”, ông Thứ chia sẻ.
Hiện nay, DN xuất khẩu như của ông Thứ gặp khó khăn với việc làm thủ tục cho khách nước ngoài đến tham quan trang trại, ký kết hợp đồng.Vì vậy, DN phải chuyển hướng tiếp cận khách hàng bằng cách tăng cường quay video facebook trực tiếp, họp qua zoom.
Ông Phạm Ngọc Minh Quân, DN trồng nấm tại Đà Lạt cho biết, bên cạnh khó khăn, dịch COVID-19 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho DN như: Nhu cầu thực phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ tăng cao. Nguồn cung nông sản từ nước láng giềng giảm sút, gián đoạn do dịch bệnh đã tạo điều kiện cho sản phẩm bản địa có nguồn gốc minh bạch ngày càng được tin dùng.
“Đại dịch COVID-19 như khoảng thời gian “gián đoạn, quay chậm” để DN củng cố nội lực. Khủng hoảng COVID-19 là thời điểm vàng để DN chinh phục lại thị trường trong nước với các giải pháp như xây dựng thương hiệu, minh bạch sản phẩm để tiếp cận gần gũi với người tiêu dùng, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và khai thác tiềm năng thương mại điện tử cho ngành thực phẩm”, ông Quân chia sẻ.
Theo ông Vũ Xuân Việt, tổ chức Oxfam Việt Nam, với thị trường gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để DN yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù đứng thứ 15 trong nước xuất khẩu nông sản lớn, với gần 190 nước toàn cầu nhưng nông sản Việt Nam tham gia ở khâu tạo giá trị ít nhất trong chuỗi nông sản toàn cầu, với gần 80% nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài.
“Nông nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực lớn khi một số hiệp định thương mại tự do được thực hiện, nếu không có giải pháp sản xuất tốt, thị trường nội địa Việt Nam sẽ bị đe dọa”, ông Việt đánh giá.
Giải quyết tình trạng đất nông nghiệp manh mún
Để tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, một trong những giải pháp được các DN kiến nghị nhiều nhất là giải quyết tình trạng manh mún, đất đai nhỏ lẻ. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 8,58 triệu nông hộ. Trung bình mỗi nông hộ có 0,62 hécta đất nông nghiệp, số thửa đất nông nghiệp trung bình của một hộ là 2,8 thửa. Diện tích trung bình mỗi thửa đất nông nghiệp là 0,22 héc ta.
Theo bà Đặng Bích Thảo, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), sự manh mún của ruộng đất hình thành rào cản trong áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, sự phân mảnh đất đai cũng làm tăng chi phí khi nông hộ phải coi sóc và đi lại giữa các thửa đất khác nhau. Từ đó làm giảm hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng.