Từ vụ đấu giá ấn vàng triều Nguyễn tại Pháp: Gian nan hồi hương cổ vật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Câu chuyện ấn vàng Hoàng đế chi bảo đang được rao đấu giá ở Pháp phản ánh thực tế “chảy máu” cổ vật. Nhiều cổ vật thậm chí quốc bảo - như ấn vàng Hoàng đế chi bảo - là di sản văn hóa Việt, minh chứng cho lịch sử dài lâu của dân tộc nhưng chưa thể châu về hợp phố.

Kịch tính đấu giá ấn vàng

Ngày 18/10 dư luận xôn xao trước việc nhà đấu giá Millon (Pháp) đăng tải thông tin đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo thời vua Minh Mạng dự kiến diễn ra ngày 31/10/2022.

Ngay khi nhận được thông tin về cuộc đấu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có công văn gửi Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”.

Từ vụ đấu giá ấn vàng triều Nguyễn tại Pháp: Gian nan hồi hương cổ vật ảnh 1

Việt Nam nỗ lực đàm phán để trực tiếp thương lượng mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo triều Nguyễn

Lai lịch của Hoàng đế chi bảo: Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị vua Bảo Đại chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng Hoàng đế chi bảo cùng thanh bảo kiếm để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn và kiếm, cho tới năm 1952, hai cổ vật này rơi vào tay người Pháp.

Đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Sau khi ông Bảo Đại mất năm 1997, chiếc ấn do người vợ cất giữ cho tới khi bà qua đời năm 2021.

Từ vụ đấu giá ấn vàng triều Nguyễn tại Pháp: Gian nan hồi hương cổ vật ảnh 2

Mũ quan triều Nguyễn - một trong số cổ vật được hồi hương

Trong nỗ lực hồi hương cổ vật, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).

Sáng 31/10, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam gửi thư tới Tổng thống Pháp đề nghị can thiệp nhằm hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật triều Nguyễn gồm ấn vàng và bát vàng thời vua Khải Định (được đấu giá với gần 16,7 tỷ đồng hôm 31/10) của hãng đấu giá Millon. Trước khi có lá thư này hãng Millon ra thông báo dời ngày đấu giá tới 10/11/2022, tuy nhiên sát giờ đấu giá họ rút lại thông báo.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán với nhà đấu giá Millon, Việt Nam bước đầu thành công trong việc tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo, tiến tới thương lượng trực tiếp. Vào 7h30 ngày 31/10 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng đấu giá Millon thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Đến 10h10 ngày 31/10, hãng Millon thông cáo về việc đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10 của nhà đấu giá này, chỉ ít phút trước phiên đấu giá nghệ thuật Việt Nam.

Từ vụ đấu giá ấn vàng triều Nguyễn tại Pháp: Gian nan hồi hương cổ vật ảnh 3

Chiếc bát vàng thời vua Khải Định được đấu giá với mức 680 nghìn euro (tương đương 16,7 tỷ đồng) vào ngày 31/10 tại nhà đấu giá Millon (Pháp)

“Chúng ta cần có một khung thời gian, theo tôi ít nhất là trên mười ngày để chuẩn bị đầy đủ những chứng cứ lịch sử, biện pháp thương lượng cụ thể, có thể là mua lại với giá phải chăng, nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo”, ông Nguyễn Phước Bửu Nam - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam nói.

Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước trong thời gian sớm nhất.

Không dễ hồi hương cổ vật

Những nỗ lực của Bộ VHTTDL thành công bước đầu thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Tuy nhiên hàng vạn cổ vật Việt Nam còn lưu lạc ở các bảo tàng tư nhân, bộ sưu tập cá nhân trên khắp thế giới. Câu chuyện ngăn nạn “chảy máu” cổ vật, nỗ lực hồi hương vật báu của ông cha được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng hành trình đó vô cùng gian nan.

Theo một số nhà nghiên cứu sử học đã đến lúc có sách lược tổng thể để hồi hương những di vật quý. Là chuyên gia hàng đầu về di sản, PGS.TS Trần Lâm Biền đánh giá cao nỗ lực vừa rồi của Bộ VHTTDL, tuy nhiên còn nhiều việc phải làm để hồi hương cổ vật.

“Chuyện hồi hương cổ vật không phải chỉ có ở Việt Nam, thế giới có nhiều rồi”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói. Điều này bắt nguồn từ thời kỳ tư bản phương Tây sang phương Đông, nhiều hiện vật ở nước này lưu lạc sang các nước, châu lục khác. Thế giới hướng đến tư liệu, hiện vật của nước nào thì trả về nước ấy bởi đó là một phần trong hệ thống di sản văn hóa quốc gia có tính kế thừa và phát huy.

Trong chiến lược hồi hương quốc bảo, ông Nguyễn Phước Bửu Nam - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam - cho rằng việc thành lập quỹ để thương lượng, mua lại cổ vật là cần thiết, song song với sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao. Quỹ này có thể sử dụng một phần ngân sách nhà nước, một phần kêu gọi đóng góp từ các cá nhân, đoàn thể… Việc thiết lập hành lang pháp lý cũng rất quan trọng trong chiến lược hồi hương những cổ vật được xem là quốc bảo.

Hồi hương quốc bảo phải được thực hiện theo Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, được UNESCO thông qua vào năm 1970. Vì vậy, ông Bửu Nam nhấn mạnh sự có mặt của các luật sư uy tín, có chuyên môn cao.

“Ở nước ngoài, những tổ chức đấu giá có sự hỗ trợ của đoàn luật sư chuyên nghiệp, hiểu biết về cổ vật. Họ làm việc theo kế hoạch và rất chuyên nghiệp, theo quá trình trước, trong và sau khi đấu giá. Đó cũng là điều mà chúng ta đang thiếu”, ông Nguyễn Phước Bửu Nam cho Tiền Phong biết.

Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đưa đề xuất thành lập Ban hồi hương cổ vật đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL có sự tham mưu từ đại diện các bảo tàng trong nước. PGS.TS Trần Lâm Biền nêu thực tế điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, rất cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân người Việt để đưa di sản văn hóa Việt về lại với người Việt.

Theo Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân. Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), dụ rằng: Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn… Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân (người thân và người có công), đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc, thì dùng ấn Hoàng đế chi bảo. Như vậy, Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.

MỚI - NÓNG