Chiếc ấn triều Nguyễn giá 72 tỷ đồng và chuyện "săn" cổ vật Việt ở trời Tây

0:00 / 0:00
0:00
Trước chiếc kim ấn triều Nguyễn này từng có không ít cổ vật Việt được đấu giá ở nước ngoài. Một số ít được đưa về nước, một số không thể hồi hương vì vấn đề tài chính.

Vụ chiếc kim ấn triều Nguyễn làm bằng vàng, đúc vào năm 1823 thời Minh Mạng, nặng 10,78kg được MILLON đưa ra đấu giá tại Pháp với mức giá khởi điểm 2 đến 3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ (TS) Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, đây không phải lần đầu tiên cổ vật của Việt Nam được đưa ra đấu giá tại nước ngoài.

Trước đó mũ quan triều Nguyễn, áo Nhật Bình, xe kéo tay và long sàng của vua Thành Thái… cũng đã được đưa ra đấu giá ở Pháp, Tây Ban Nha.

Theo TS Phạm Quốc Quân, hiện nay có khoảng 100 chiếc ấn của triều Nguyễn còn lưu trữ ở Việt Nam. Ấn được làm từ nhiều chất liệu như ngọc, bạc, vàng. So với ấn của các triều đại khác (thời Trần, thời Lê, thời Mạc, thời Tây Sơn…) thì ấn triều Nguyễn trong nước còn nhiều hơn cả.

"Chiếc ấn đang bán đấu giá kia nếu được đưa về nước sẽ làm phong phú cho kho bảo vật của đất nước và càng đáng quý. Tuy nhiên, mức giá đưa ra quá cao, hàng chục tỷ đồng sẽ là một trở ngại.

Vị thế chính trị, vị thế kinh tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế nên giá trị các cổ vật, tài sản văn hóa cũng được nâng lên. Tuy nhiên, mức giá cao sẽ là trở ngại đối với con đường hồi hương cổ vật bằng phương pháp đấu giá", ông Quân nói.

Theo TS Phạm Quốc Quân, tình trạng "chảy máu" cổ vật xảy ra từ hàng chục năm trước đây vì nhiều nguyên nhân như chiến tranh, nghèo khó, loạn lạc. Không ít cổ vật có giá trị của Việt Nam đã bị "chảy" ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nay, để mang được một cổ vật về nước thì cần rất nhiều công sức và tiền của. Hiện có rất ít cổ vật Việt Nam được đưa về hồi hương vì nguồn cổ vật Việt Nam mua bán ở nước ngoài khá hiếm. Ngoài ra còn vì giá của các cổ vật quá cao.

Theo TS Phạm Quốc Quân, tỉnh thừa thiên Huế trước đây cũng từng tham gia phiên đấu giá bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi ở Pháp. Tuy nhiên, đại diện của Huế đành ra về trong nỗi thất vọng vì giá bức tranh quá cao và giá cứ lên vù vù trong phiên đấu giá.

Để có thể đưa được ngày càng nhiều cổ vật hồi hương, theo ông Quân, cần có chiến lược về giáo dục, về nhận thức, về con người và tài chính.

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện xã hội hóa đối với công tác sưu tầm cổ vật và đem lại hiệu quả rất tốt. Các nước ở gần Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những chiến lược hồi hương các di sản văn hóa.

"Họ có những quỹ được gây dựng từ các nguồn lực trong cộng đồng, kiều bào, các tập đoàn kinh tế. Đằng sau các bảo tàng đều có sự giúp đỡ của các tập đoàn, có sự chuẩn bị tiềm lực", TS Quân nói.

Chiếc ấn triều Nguyễn giá 72 tỷ đồng và chuyện "săn" cổ vật Việt ở trời Tây ảnh 1
Mũ quan văn triều Nguyễn từng được đấu giá ở nước ngoài. (Ảnh: invaluable).

Tại Việt Nam, cũng đã có công ty tư nhân bỏ tiền mua cổ vật về cho đất nước. Chiếc xe tay và long sàng của vua Thành Thái được đấu giá ở nước ngoài cũng được cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đóng góp với tỉnh Thừa Thiên Huế để mua lại, đưa về Việt Nam. Theo ông Quân, đây là tín hiệu rất đáng mừng và cần phát huy hơn nữa.

"Để ngày càng có nhiều cổ vật được hồi hương thì chúng ta cần tạo ra cơ chế chính sách ưu tiên phù hợp để cổ vũ các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động này.

Tôi từng tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu và quản lý nước ngoài. Họ đều khẳng định, một đất nước giàu có đến bao nhiêu đi chăng nữa thì những bảo tàng công lập, bảo tàng nhà nước không thể có khả năng mua được tất cả cổ vật.

Điều đó cho thấy được tầm quan trọng của việc kêu gọi xã hội hóa, sự tham gia của các nhà sưu tầm tư nhân", TS Phạm Quốc Quân nói.

Hiện có 3 con đường đưa cổ vật về nước: Cổ vật được nước ngoài trả về theo công ước quốc tế về Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; ngoài ra còn hai cách là đấu giá và sưu tầm tư nhân.

Chiếc ấn triều Nguyễn giá 72 tỷ đồng và chuyện "săn" cổ vật Việt ở trời Tây ảnh 2
Xe kéo của vua Thành Thái - một trong số ít những cổ vật hồi hương qua hình thức đấu giá của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Đại Dương).

Đối với những người sưu tầm tư nhân thì Nhà nước cần có định hướng. Nhiều trường hợp sưu tầm những đồ nước ngoài về thì không gọi là hồi hương.

"Nhiều người đưa những cổ vật của Pháp, Trung Quốc, Nhật về là không đúng. Cần sưu tập các cổ vật Việt Nam thì mới gọi là hồi hương", TS Quân nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh về ý nghĩa của việc hồi hương cổ vật. Theo đó, cổ vật của mỗi quốc gia cần phải trở về nơi nó sinh ra thì mới có điều kiện để tỏa sáng.

Với Việt Nam, một quốc gia được thế giới ngợi ca là có bề dày lịch sử, có chiều sâu văn hóa thì việc đưa cổ vật hồi hương có vai trò vô cùng quan trọng góp phần gìn giữ văn hóa.

Nước ta hiện đang trở thành một điểm đến hấp dẫn. Vậy nên cổ vật nói riêng và di sản nói chung cũng chính là một động lực để phát triển.

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG