“Các chuyên gia quân sự quốc tế gần đây phân tích rằng Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến ở Trung Đông”, tờ Meari viết. “Ngay cả các nước thân Mỹ cũng trả lời một cách dè dặt trước yêu cầu của Mỹ về việc điều quân, viện lí do tình hình chính trị nội bộ và các khó khăn về kinh tế, khiến Mỹ rơi vào tuyệt vọng.”
Cùng lúc đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm thứ Hai cho biết cả Moscow và Bắc Kinh đều mạnh mẽ phản đối cuộc không kích ám sát Tướng Qassem Soleimani của quân đội Mỹ hồi tuần trước.
“Trung Quốc và Nga nhấn mạnh họ không chỉ phản đối việc lạm dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, mà còn không thể dung thứ cho các hành động quân sự mạo hiểm”, KCNA viết, sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
Theo một số chuyên gia, tình hình căng thẳng ở Trung Đông có ảnh hưởng không nhỏ đến lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Ông Yang Moo Jin – Giáo sư Đại học Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) nói với tờ Korea Herald rằng cuộc không kích Baghdad sẽ tạo áp lực tâm lý lên ông Kim Jong-un.
Cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se Hyun thậm chí còn cho rằng Triều Tiên sẽ cẩn thận hơn trước khi tiết lộ chính xác vị trí của Chủ tịch Kim.
Giống Bình Nhưỡng, Tehran từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Cả hai quốc gia đều bị Mỹ bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng khác với Iran, Triều Tiên đã phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá giữa Mỹ với Triều Tiên hiện đang rơi vào bế tắc.
Tình hình thậm chí còn ngày càng trở nên tồi tệ, khi lãnh đạo hai quốc gia liên tục đe doạ sẽ có hành động quân sự nhằm vào đối phương nếu không đạt được mục đích.
Andrei Lankov, một học giả người Nga và là chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên nhấn mạnh trên tờ NK News hôm Chủ nhật rằng vụ ám sát Soleimani cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn những gì các chiến lược gia Triều Tiên có thể tưởng tượng.
“Không nghi ngờ gì nữa, Triều Tiên đã phải lưu ý trường hợp này. Và rất có thể, họ sẽ coi đây là một dấu hiệu cảnh báo”, ông Lankov nói. “Bởi cái chết của Soleimani cho thấy Mỹ có thể điều máy bay không người lái lặng lẽ tiếp cận một số mục tiêu ở ngoại ô Bình Nhưỡng.”