Bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm dự kiến gồm 5 tập, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 5 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
Tập 1 có tên Nợ nước non (2022), khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành lớn lên cùng lời ru đau đáu của bà, của mẹ thuở lọt lòng về món nợ nước non phải đền.
Tập 2 có tên gọi Lênh đênh bốn biển (2023) khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Tập 3 Từ Việt Bắc về Hà Nội (2024) tập trung vào chặng đường Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, về hành trình lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công của Người.
Tập sách thứ 3 trong bộ 5 tập tiểu thuyết Nước non vạn dặm về Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ra mắt. |
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhất quán với lối tự sự biên niên sử, chủ động tạo cho mạch truyện trôi theo trật tự thời gian tuyến tính. Người kể chuyện nêu lại những biến cố, những sự kiện quan trọng đã thực sự xảy ra, những con người có thật và hư cấu xoay quanh nhân vật trung tâm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Tác giả cố gắng tỉnh táo để không sa vào bẫy lịch sử, luôn đứng vững trên địa hạt sáng tạo của văn chương để soi rọi, phản ánh chiều sâu bên trong của nhân vật, nhất là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ, tài năng, phẩm cách của Bác.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xử lý thỏa đáng một khối lượng tư liệu quý giá và đồ sộ mà không phải ai cũng có được. Bối cảnh hiện thực đời sống của tập 3 diễn ra từ 1941 đến 1945, tình hình cách mạng Việt Nam tuy âm thầm bề ngoài nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn.
Cuốn sách khắc họa hành trình trở về nước và lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Người đọc có thêm những bất ngờ thú vị khi biết thêm những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Tác giả xử lý để đưa vào sách tư liệu về những chuyến qua lại biên giới Việt - Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ, hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong Nhật ký trong tù, tấm lòng quý mến của những người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người.
Đặc biệt là quãng thời gian Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945...
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ luôn chú trọng và dụng công khi “đời thường hóa”, “bình dị hóa” con người và những phẩm chất vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa ở nhiều khía cạnh của đời sống và làm cách mạng. |
Độc giả thấy rõ điều đó khi chứng kiến lãnh tụ trong quan hệ với đồng chí như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn... những người dân Cao Bằng chân chất mà nồng nàn yêu nước.
Hình tượng Hồ Chí Minh của Nguyễn Thế Kỷ bao giờ cũng thể hiện được những giá trị, những phẩm chất cao quý mà bình dị, gần gũi, tuyệt nhiên không “thần thánh hóa”, sùng bái hóa.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định bộ tiểu thuyết “dựng lên chân dung con người Hồ Chí Minh, con đường Hồ chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Và đấy chính là con đường của dân tộc Việt Nam để làm nên một thời đại, một lịch sử kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam”.
Ông nêu quan điểm Hồ Chí Minh là một nhân vật của lịch sử hiện đại, bởi vậy tư liệu về Hồ Chí Minh là vô cùng phong phú, có tính xác thực cao, đặc biệt là giai đoạn từ khi Người trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng cho tới ngày Người đọc bản tuyên ngôn độc lập.
“Nguồn tư liệu phong phú đó giúp tác giả khai thác, đối chiếu khi viết về Người và Cách mạng Việt Nam. Đây là một thuận lợi rất lớn nhưng đồng thời là một thách thức lớn đối với nhà văn”, Nguyễn Quang Thiều nói.
May mắn là tác giả đã vượt qua ba thách thức về lựa chọn sự kiện, nhân vật, câu chuyện lịch sử, nghệ thuật hóa các sự kiện đó và thách thức "đời thường hóa" một vĩ nhân, để viết nên cuốn sách về con người vĩ đại nhưng gần gũi, lay động.
“…Tắm gội cho bọn trẻ con xong, Hồ Chí Minh bảo Dương Đại Lâm mời tất thảy bà con cả làng đến để ông nói chuyện...
Ông dùng một cái mẹt và một chiếc đèn dầu để minh họa cho hoàn cảnh đất nước hiện tại.
- Tôi nói thế này để bà con dễ hiểu. Mặt trời hiện đang nằm bên kia trái đất, tức là ở đây. Còn chúng ta thì ở bên này trái đất, là đây. Thế nên chúng ta đang chịu cảnh tăm tối. Nhưng chẳng bao lâu nữa, mặt trời sẽ về với Việt Nam chúng ta, sẽ chấm dứt cảnh tối tăm khổ cực bấy lâu. Tôi có niềm tin chắc chắn như vậy, và bà con hãy vững tin như vậy”… (Trích tập 3, Từ Việt Bắc về Hà Nội).