Ðánh thức núi rừng
Dù đường chưa thông toàn tuyến nhưng xe chúng tôi có thể chạy gần trọn tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đã thành hình. Những năm qua, nhiều con đường được nâng cấp, mở mới trên toàn quốc nhưng khó có con đường nào mang đến cảm giác mạnh về sự xen lẫn giữa hoài niệm và kỳ vọng như ở đây. Con đường rộng, thẳng tắp vẫn còn mùi thơm nhựa mới xuyên qua những mảng rừng, những ngọn đồi vắng vẻ, băng qua những con suối những con đường uốn lượn dẫn vào những căn nhà sàn thưa thớt.
Thấp thoáng trong tầm mắt là Quốc lộ 3 - con đường bao năm gánh vác trách nhiệm kết nối Bắc Kạn, Cao Bằng với miền xuôi. Nhưng con đường nương theo, uốn lượn quanh lưu vực sông Cầu với những khúc cua tay áo đột ngột này cũng ngăn du khách và nhà đầu tư về với Bắc Kạn. Ðúng như lời của cố nhạc sỹ Trần Hoàn trong bài “Ðường về Bắc Kạn”: “Lần sông Cầu ta về Bắc Kạn… Con đường mới vẫn còn vất vả”.
Hiện nay, nhờ có đường QL 3B, thời gian từ Hà Nội đi Thái Nguyên (70 km) được rút ngắn còn 1 giờ. Từ TP Thái Nguyên đến TP Bắc Kạn chỉ 80 km nhưng theo QL 3 hiện nay mất khoảng 2,5 đến 3 giờ. Khi có tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, tổng thời gian từ TP Thái Nguyên - TP Bắc Kạn sẽ rút ngắn còn khoảng 1,5 giờ với xe khách, đối với xe con chỉ còn khoảng 1 giờ. Theo đó, thời gian di chuyển từ TP Hà Nội - TP Bắc Kạn chỉ còn 2 giờ - một con số mà trước đây ít ai dám nghĩ tới. Cũng trong dự án này, 25 km trên QL 3 (đoạn qua huyện Phú Lương) cũng sẽ được nâng cấp mở rộng để tăng tốc độ lưu thông.
So với cả nước, Bắc Kạn vẫn là tỉnh đặc biệt khó khăn. Dự án được coi là quyết tâm lớn để khai mở hướng phát triển cho vùng trũng này. Ít có dự án nào như dự án không quá lớn về quy mô này (dự toán 2.700 tỷ đồng) lại liên tục được đón những lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước, Chính phủ đến kiểm tra, đốc thúc. Ðến nay, trọn 24 tháng thi công được coi là thần tốc, tuyến đường đã hiện trọn hình hài, không lâu nữa sẽ thông xe, vượt tiến độ đề ra.
Bệ phóng cho vùng khó
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nói: “Ðiểm nghẽn lớn nhất của kinh tế Bắc Kạn chính là hạ tầng giao thông. Tuyến đường tốc độ cao nối miền xuôi với Bắc Kạn là ước mơ của nhân dân Bắc Kạn, tạo ra trục phát triển cho tỉnh nhà”.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, trước hết, tuyến đường sẽ góp phần ngay vào tăng trưởng thông thương hàng hóa, nông sản cho tỉnh Bắc Kạn. Sau đó, công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp không khói với các thắng cảnh như hồ Ba Bể, các hang động và quần thể An toàn khu tại Chợ Ðồn sẽ đến gần hơn với du khách.
Về vấn đề thu phí, ông Lý Thái Hải cho hay: Người dân không ai muốn bị thu phí. Tuy nhiên, vì ngân sách không bố trí được phải thực hiện bằng phương thức xã hội hóa, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn. “Tỉnh sẽ có những biện pháp tuyên truyền vận động để người dân hiểu và thấy những lợi ích của dự án” - ông Hải nói.
Nói về việc dự án mang lại lợi ích lớn hơn cho Bắc Kạn và cả Cao Bằng nhưng trạm thu phí đặt ở địa bàn Thái Nguyên, ông Hải nói: “Thái Nguyên và Bắc Kạn là anh em thời cùng ngôi nhà chung Bắc Thái. Giờ người em Bắc Kạn còn khó khăn, chúng tôi rất mừng khi nhân dân và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên san sẻ”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho rằng, cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới cùng với hệ thống đường Hồ Chí Minh, QL 3 hội tụ về thị trấn Chợ Mới tới đây sẽ góp phần hình thành nên thị xã Chợ Mới trong tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch kiêm Tổng GÐ Cty Xây dựng Công trình giao thông (Cienco4, đại diện liên danh nhà đầu tư: Cienco4, Cty Ðầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Cty Ðầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc Việt Nam) cho hay: Với lưu lượng xe không nhiều, thời gian thu phí dài, nên xét về hiệu quả kinh tế, dự án không thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, Cienco 4 vẫn quyết thực hiện dự án không chỉ đơn thuần là mục tiêu kinh tế, lấy công ăn việc làm mà còn là thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội với đất nước.