Từ thợ đạp xích lô trở thành ông chủ

Từ thợ đạp xích lô trở thành ông chủ
TP - 5 năm liền là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, hàng năm nộp cho ngân sách nửa tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động trẻ, làm chủ tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng nhắc đến những năm tháng vật lộn cùng chiếc xích lô, anh Hồng không khỏi bùi ngùi.

Sinh năm 1958, chưa đầy 10 tuổi, Lê Văn Hồng đã phải rời tổ ấm gia đình lên Nghĩa Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Bố anh đi bước nữa và sinh được 2 người con.

Từ nhỏ, Hồng đã phải xa mẹ, sống với dì. Bố làm thợ xây không đủ ăn, hàng ngày cậu bé Hồng phải ra đồng mò cua bắt ốc. Cuộc sống làng quê ngày đó không thanh bình bởi chiến tranh, bom đạn liên miên. Một thời gian sau Lê Văn Hồng chuyển về Vinh (Nghệ An).

Vì nhà nghèo, Hồng phải bỏ học từ năm lớp 7. Thuở niên thiếu, Lê Văn Hồng phải nếm trải nhiều cơ cực, thiếu thốn tình cảm gia đình và... đói ăn. Kể cả khi anh cưới vợ (1979), thì nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn luôn là gánh nặng đè lên vai.

Hai vợ chồng ra ở riêng trong túp lều dột nát, bốn phía xây bằng gạch táp-lô. Nhà gái làm nông, nuôi vịt, cũng chẳng dư dả gì để đỡ đần cho các con. Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Minh (vợ anh) quảy gánh cháo rong đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành Vinh. Chị cứ chạy bộ với gánh cháo như vậy từ đầu hôm cho đến khi trời hửng sáng.

Chị Minh có đôi hoa tai bằng vàng, quà tặng của bố mẹ khi về nhà chồng. Chẳng ai muốn bán đi một kỷ vật như thế. Nhưng nếu không có vốn thì chồng chị sẽ không có việc làm, họ sẽ phải chịu mãi cảnh túng quẫn trong khi đứa con trai ngày càng lớn và chị đã sức cùng lực kiệt sau nhiều đêm thức trắng. Một ngày đẹp trời, hai vợ chồng Minh - Hồng dắt nhau đến tiệm vàng đầu phố, “cắn răng” bán đôi hoa tai kỷ niệm, lấy tiền mua một chiếc xích lô.

Hàng ngày, anh Hồng trằn lưng trên đường phố đạp xe chở khách, bất chấp mưa gió rét mướt hay những hôm gió Lào rát bỏng. Chiều 30 Tết năm 1983, trong nhà không còn gạo ăn, anh Hồng phải lao ra đường.

Chờ đến 8 giờ tối nhưng chẳng có khách nào thuê anh buồn bã định quay về. Bỗng từ góc phố xuất hiện ông khách Tây. Nhờ chuyến xích lô đêm cuối năm vượt gần chục cây số về Hưng Long (huyện Hưng Nguyên) mà vợ chồng anh có cái tết tươm tất. Vị khách tốt bụng “bo” cho anh 200 đồng, sau khi đã trả 400 đồng tiền lộ phí.

Tích cực hoạt động nhân đạo

Biệt thự số 3, ngõ 94, đường Chu Văn An (TP.Vinh), tỷ phú Lê Văn Hồng ngồi kể cho tôi nghe chuyện đời anh. Lấm lem cát bụi, mồ hôi chan hòa nước mắt, người đàn ông cứng rắn ấy đã bật khóc khi ôn lại chuyến xích lô chiều 30 Tết năm nào.

Gần chục năm khó nhọc cùng chiếc xích lô, vợ chồng anh gom góp được 3 chỉ vàng. Có vốn, họ mở hàng ăn. Một thương gia ở Vinh thấy mảnh đất vợ chồng anh đứng chân làm ăn phát đạt bèn dạm mua với giá 1 cây vàng. Anh bàn với vợ bán chỗ này, cộng thêm tiền vay mượn của bạn bè đầu tư xây dựng địa điểm mới trên đường Lê Lợi.

Chị Minh khéo tay chế biến nên chẳng mấy chốc “quán điểm tâm” của Minh - Hồng đã đông khách. Dần dần, tên tuổi Minh - Hồng trở thành một thương hiệu trên đất Vinh, khách vãng lai mỗi lần đi qua TP Vinh đều ghé đến cơ sở ăn uống của Minh Hồng. Gà thả vườn luộc, rau bí, rau khoai lang chấm nước tương Nam Đàn là những món nhiều người ưa thích.

Năm 2002, vợ chồng anh thành lập Công ty TNHH Minh Hồng. Hai cơ sở kinh doanh của anh giải quyết công ăn việc làm cho 98 lao động trẻ (tuổi từ 18 đến 25), lương bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Vợ chồng anh tự bỏ tiền ra mua BHYT và đóng BHXH cho các công nhân. Trong 2 năm gần đây, công ty nộp ngân sách địa phương hàng trăm triệu đồng tiền thuế.

Từ năm 2002 đến 2006, Lê Văn Hồng đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”. Đây cũng là doanh nghiệp đóng góp nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Tháng 10 năm 2006, báo Tiền phong mở cuộc vận động quyên góp xây dựng cầu Chôm Lôm ở xã Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An), Lê Văn Hồng là người đầu tiên trên địa bàn Nghệ An hưởng ứng với số tiền ủng hộ 10 triệu đồng.

Trở thành doanh nhân có của ăn của để, Lê Văn Hồng vẫn không quên được mảnh đất Nghĩa Hợp, Tân Kỳ - nơi anh đã một thời chăn trâu cắt cỏ. “Tôi muốn về quê, xây dựng cho con em miền núi một mái trường”, anh Hồng tâm sự.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.