'Tử tế' - nơi nhạc rap bùng nổ

Sự đồng điệu đặc biệt giữa nghệ sĩ và khán giả trong show Tử tế. Ảnh: Sick Frames.
Sự đồng điệu đặc biệt giữa nghệ sĩ và khán giả trong show Tử tế. Ảnh: Sick Frames.
TP - Tử tế - buổi biểu diễn của cộng đồng rap, hip-hop tại Hà Nội mang tiếng là underground (ngầm) nhưng được tổ chức khá chuyên nghiệp, thu hút hàng nghìn bạn trẻ. Kể câu chuyện của chính người trẻ, nhạc rap đang trở thành món ăn tinh thần cho cả một thế hệ.

Các bãi để xe hết chỗ tràn xuống cả lòng đường trước cổng triển lãm Vân Hồ. Phí gửi xe máy lên tới 30.000 đồng. Kể cũng ngược đời, tưởng càng nhiều xe càng phải giảm giá?! Thanh niên gửi xe tò mò hỏi khách: “Không biết trong đó diễn cái gì mà đông thế?”.

Đấy là ban tổ chức buổi biểu diễn Tử tế đã giới hạn lượng vé bán ra chỉ 2.000 để đảm bảo an toàn. Giá vé không đắt, chỉ 160.000 đồng/chiếc. Thể loại này cũng không cần đầu tư nhiều về âm thanh vì hầu như các nghệ sĩ không chơi hoặc dùng rất ít nhạc cụ. Trang trí sân khấu là cánh cổng lưới mắt cáo, hình graffiti, mấy thùng phuy để các nghệ sĩ ngồi hát- vẻ bụi đời kiểu văn hóa đường phố Mỹ. Trang phục nghệ sĩ cũng đa dạng, người thì cầu kỳ màu sắc, người thì đơn giản rách rưới. Quần soóc đi với áo bông là chuyện bình thường.

Tên show Tử tế cũng không có ý đồ gì sâu xa mà anh em chơi nhạc rap tự cảm thấy mình sống với nhau đủ tử tế nên lấy đó làm tên luôn. Logo của chương trình là gương mặt của một… con chó, ấy cũng là vì anh em hay thân mật gọi nhau là “chó + tên riêng”.  

Tử tế tổ chức lần thứ 6 tập hợp số lượng nghệ sĩ đủ nhiều để kéo dài trong gần 4 tiếng. Một số gương mặt khá quen thuộc với truyền thông đại chúng như Kimese, Link Lee, Da Lab… hay JGKid, Đen từng nhận giải Bài hát Việt. Còn lại, công chúng có thể chẳng biết những nhân vật đang chơi trên sân khấu là ai nhưng khán giả của Tử tế thì khác, gào thét, cổ vũ cuồng nhiệt. 

Hàng nghìn cánh tay lúc nào cũng trong trạng thái giơ cao, hàng nghìn cổ họng đọc theo lời rap. Đây đó lại có một đám quây quần nhảy nhót không biết mệt. Trong hoàn cảnh đó, việc giới thiệu tên bài hát, tên nghệ sĩ thành thừa. Không thấy có sự xuất hiện của công an, chỉ có một số bảo vệ đứng quanh khu vực sân khấu nhưng đêm diễn trôi đi yên ả. Khán giả chủ yếu tập trung năng lượng cho âm nhạc.

Đề tài nhạc rap khá đa dạng, miêu tả hầu hết các khía cạnh trong đời sống của người trẻ hôm nay. Họ hoang mang ra sao, mưu sinh thế nào, yêu đương kiểu gì… đều xuất khẩu thành rap cả. Một số bài lời lẽ cũng tầm phào, đùa bỡn có tác dụng xả stress là chính. Chẳng hạn có bài tên Cổ lùn nói lên tâm trạng của một chàng trai khi yêu phải cô gái có đặc điểm như tên bài. Những bài có lời lẽ chiêm nghiệm, giàu chất thơ như Hà Nội của bố thậm chí còn được cổ vũ nhiệt tình hơn.

Đưa nhau đi trốn của Đen (người Hạ Long nhưng lại rap bằng giọng miền Nam) có phần tâm trạng: “Em ơi anh chẳng muốn sống đời vẻ vang/ Đời lên voi xuống chó, danh vọng hoặc bẽ bàng/ Chỉ muốn êm ả với nhau qua ngày tháng/ Hè xối gàu nước mát, lửa hồng khi đông sang/ Nhưng ta càng lớn càng không có sức phòng thủ/ Đời cuốn xô ta cả khi ta trốn trong phòng ngủ/ Âu lo theo về dù ta đã khoá ba lần cửa/ Trốn đi trốn đi không đời giết ta lần nữa”. Linh Cáo (Huế) đem đến một phần trình diễn khác biệt, không rap, giai điệu đẹp, màu sắc dân gian khá rõ. Mân côi nói về tâm trạng sốt ruột của cô gái khi vẫn chưa thấy hoàng tử Bạch Mã xuất hiện: “Em còn đợi ai trong ngày xanh non biếc thế?/ Thôi đừng chờ chi cho phí hết xuân xanh ngời/ Hỡi tình này là chi e còn ngây thơ mun biết/ Đôi mình là chi để lỡ mất, em sao đành…”.

Để tạo nên một bài rap, nghệ sĩ phải có cảm hứng để cho ra phần lời. Phần nhạc đệm (beat) có thể mua sẵn trên các trang mạng quốc tế. Nếu mua đứt beat đó, nghệ sĩ có thể phát hành rộng rãi ra công chúng mà không lo vấn đề về bản quyền. Tuy nhiên, các rapper có số má đều kết hợp với một nhạc sĩ hòa âm trong nước để có bản phối riêng. Nếu chỉ đọc rap từ đầu đến cuối sẽ khó nghe nên cần một giai điệu (hook) xen kẽ. Những nghệ sĩ sở trường viết giai điệu thường được nhiều rapper mời cộng tác. Hầu hết các nghệ sĩ nhạc rap đều không qua trường lớp về âm nhạc. Họ có chút kế thừa hình mẫu của thi sĩ thuở chưa có in ấn, chỉ còn cách tự trình diễn tác phẩm của mình trước công chúng. Nhưng mục tiêu của họ hẳn không liên quan tới nghệ thuật cao siêu mà đơn thuần là giải tỏa năng lượng và chia sẻ cảm xúc giữa những người bạn cùng thế hệ.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.