Cơ chế “xin-cho”
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam".
Theo bản Báo cáo, tại Việt Nam hiện có 20 ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ, gồm sản xuất và mua bán vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất vàng miếng; phát hành xổ số kiến thiết; in đúc tiền; phát hành tem bưu chính Việt Nam; truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành thuỷ điện đa mục tiêu; vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng; vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải; dịch vụ không lưu; khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư; cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng; xuất bản,...
Như vậy, về lý thuyết, tư nhân được tham gia cung cấp tất cả những hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục này và danh mục cấm kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hiện nay, tư nhân vẫn không được phép kinh doanh, do chưa xây dựng được cơ sở pháp lý đầy đủ, do các cơ chế như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá tài nguyên,... chưa được hoàn thiện, theo VCCI.
Chẳng hạn, với sản xuất vũ khí, quân trang, quân dụng, các quy định của pháp luật không cấm tư nhân tham gia mà chỉ coi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các cơ quan được phép sử dụng, có nhu cầu đều có thể thực hiện đấu thầu, cho tư nhân tham gia cung cấp. Kết quả rất khả quan: thời gian hoàn thành nhanh, chi phí rẻ, chất lượng tốt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực này nên rất hạn chế tư nhân tham gia.
Với lĩnh vực khai thác than, vốn không thuộc diện độc quyền Nhà nước, song các mỏ than đá chỉ được cấp cho Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, hai doanh nghiệp Nhà nước, khai thác. Trong khi đó, theo pháp luật về khoáng sản thì than là loại khoáng sản không tổ chức đấu giá quyền khai thác. Vì vậy, tuy không bị cấm nhưng tư nhân cũng không thể tham gia.
Đối với các dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước cũng tương tự. Cụ thể, Luật Ngân sách Nhà nước cho phép các cơ quan Nhà nước được phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, trong đó có cả các doanh nghiệp. Tức là, nếu cơ quan Nhà nước có doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong một lĩnh vực nào đó thì không cần tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này. Như vậy, cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan Nhà nước đó.
Chẳng hạn, đó là dịch vụ duy tu, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia, dự toán ngân sách giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ này giao luôn cho Tổng công ty Đường sắt thực hiện, chứ không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
Một số lĩnh vực khác như hạ tầng sân bay, đường bộ, bến cảng, luồng tuyến đường thuỷ và hàng hải, việc tham gia của các nhà đầu tư tư nhân cũng vẫn cần có sự cấp phép của Nhà nước và dựa trên các quy hoạch dự án có sẵn.
"Chính vì vậy, việc một doanh nghiệp tư nhân có được phép tham gia cung cấp các dịch vụ này hay không, thực tế vẫn dựa vào cơ chế xin cho, chứ chưa có sự đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư một cách bình đẳng", báo cáo viết.
Với nhiều lĩnh vực dịch vụ công, doanh nghiệp tư nhân được tham gia hay không, thực tế vẫn dựa vào cơ chế xin cho
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Theo VCCI, các khảo sát thời gian qua cho thấy, tỷ lệ hài lòng với nhiều dịch vụ công do tư nhân cung cấp cao hơn Nhà nước cung cấp. Ví như lĩnh vực y tế, có tới 45% số người được hỏi hài lòng với dịch vụ do tư nhân cung cấp, chỉ 11% hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp. Lĩnh vực công chứng, tỷ lệ hài lòng với tư nhân cung cấp là 46% thì với Nhà nước chỉ có 26%; hay lĩnh vực giao thông công cộng, tỷ lệ hài lòng với tư nhân cung cấp là 30% trong khi với Nhà nước là 10%...
Theo ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc để tư nhân cung cấp một số dịch vụ công đã mang lại kết quả thiết thực, song vẫn còn nhiều dịch vụ công do cơ quan Nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực,... Ðiều này dẫn đến sự không minh bạch, khi cơ quan Nhà nước vừa làm chính sách, vừa thực thi, rồi kiểm tra luôn cả điều kiện tuân thủ. Như vậy, sẽ không phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại. Cách làm này đẩy cơ quan Nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, thực tế cho thấy, ở đâu có sự tham gia của tư nhân gắn với minh bạch hóa thì ở đó chất lượng dịch vụ được nâng cao, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người dân. Nhà nước chỉ nên làm những gì tư nhân không làm được hoặc không muốn làm.
Những lĩnh vực như: bán lẻ, vận tải, điện ảnh, công chứng, thể thao,... từ khi được tư nhân hóa đã tạo nên một mạng lưới hạ tầng với đầy đủ phương tiện, công nghệ theo đúng xu hướng thế giới. Ðiển hình như các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại đã thay thế các cửa hàng mậu dịch; hàng nghìn doanh nghiệp taxi, xe khách, xe tải,... phục vụ hầu hết nhu cầu vận tải của xã hội, thay vì chỉ có doanh nghiệp vận tải quốc doanh như trước kia.
Tư nhân hóa các dịch vụ công, ông Lộc đánh giá, là một mũi tên trúng nhiều đích, bởi sẽ thoái được "sức" Nhà nước khỏi những dịch vụ không cần thiết như: xúc tiến thương mại, đầu tư, cấp giấy chứng nhận,... Từ đó, làm giảm chi tiêu, tinh gọn bộ máy, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của Nhà nước là xây dựng thể chế. Bởi, thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, việc tư nhân hóa dịch vụ công còn giúp tránh sự chồng chéo, tham nhũng, ngăn ngừa xung đột lợi ích. Ðồng thời, không chỉ thu hút được nguồn lực tài chính mà còn thu hút được trí tuệ, kinh nghiệm của khối tư nhân.
Để bảo đảm tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, theo ông Lộc, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò tạo ra một "sân chơi" bình đẳng, với những cơ chế, chính sách quản lý, cùng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thật minh bạch và giám sát chặt chẽ để tránh vi phạm.