Từ ngôi sao đến vành móng ngựa: Bầu trời sụp đổ

Trần Mạnh Dũng và đồng phạm không dám ngẩng đầu trong phiên tòa trong khi bà Kim Oanh, mẹ Dũng, xót xa với cái giá quá đắt con trai phải trả. Ảnh: VSI
Trần Mạnh Dũng và đồng phạm không dám ngẩng đầu trong phiên tòa trong khi bà Kim Oanh, mẹ Dũng, xót xa với cái giá quá đắt con trai phải trả. Ảnh: VSI
TP - Từ vị trí của một ngôi sao được hàng triệu người tung hô, tất cả như một tấm màn đen đóng lại trước mắt các cầu thủ trót “dính chàm” khi đối mặt với 4 bức tường nhà giam.

Mất tất cả


Đấy là cảm giác đầu tiên của Quốc Vượng lúc ngồi trong nhà giam khi vụ bán độ ở SEA Games 23 (Bacolod, Philippines) bị phát lộ. Cho đến những năm tháng sau này khi đã mãn hạn tù, được tạo điều kiện trở lại với bóng đá, Vượng “Cơ” vẫn không thể quên được lần đầu tiên đối diện với 4 bức tường nhà giam. Tất cả như sụp đổ.

Với lối đá kỹ thuật, lỳ lợm nhưng tinh quái, Quốc Vượng từng được hy vọng sẽ trở thành thủ lĩnh ở SLNA cũng như ĐTQG. Không tỏa sáng rực rỡ như Văn Quyến, nhưng Quốc Vượng tạo được sự tin cậy của một cầu thủ có tố chất để trở thành thủ lĩnh. 

Vượng được ví như “lá phổi” ở đội tuyển U23. Nhiều người đã không tránh được cảm giác xót xa khi các cầu thủ trong vụ bán độ ở Bacolod khai báo về động cơ của mình: bán độ, vừa có tiền mà đội vẫn chiến thắng thì không phạm tội. Tất cả trở nên muộn màng khi cả nhóm (ngoài Quốc Vượng còn Văn Quyến, Bật Hiếu, Văn Trương, Hải Lâm, Quốc Anh, Phước Vĩnh) đứng trước vành móng ngựa.

Trong những lần chia sẻ với báo giới sau này, Quốc Vượng thừa nhận đã trằn trọc không ngủ suốt thời gian cơ quan điều tra tiến hành việc tra hỏi, điều tra chứng cứ. Khi đã biết chắc khó thoát khỏi tội, tiền vệ CLB SLNA bắt đầu nghĩ đến bố mẹ và viễn cảnh không bao giờ còn được trở lại với bóng đá. Cảm giác thèm được đụng đến quả bóng cứ quay quắt trong đầu suốt thời gian anh thụ lý trong trại giam.

Ba tháng, sụt 7kg

Nếu như trong vụ án bán độ ở SEA Games Philippines, Văn Quyến và các đồng đội ban đầu một mực chối tội thì ở vụ án của các cầu thủ The Vissai Ninh Bình, sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, các điều tra viên gặp ít khó khăn hơn khi lấy lời khai của các cầu thủ Ninh Bình. 

Như tiết lộ của một điều tra viên, những chứng cứ thuyết phục được tập hợp sau một quá trình theo dõi cùng áp lực xã hội đã khiến các cầu thủ gần như “thúc thủ”. 

Ngoại trừ việc tiền vệ Trần Mạnh Dũng chối trách nhiệm cầm đầu và quy cho thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, tất cả đều nhanh chóng nhận tội. Mạnh Dũng cũng là trường hợp phải chịu án nặng nhất, với 30 tháng tù theo quyết định của Tòa án Ninh Bình. Tiền vệ gốc Nam Định là một trong số các cầu thủ gây nhiều tiếc nuối khi vứt bỏ tương lai rộng mở, bán mình chỉ để đổi lại vài chục triệu đồng, số tiền không quá lớn so với thu nhập của anh ở The Vissai Ninh Bình.

Những ngày tháng trong trại giam đã tác động mạnh tới tinh thần của Mạnh Dũng. Cho đến khi được ông bầu Hoàng Mạnh Trường bảo lãnh để về thăm bố mẹ, Mạnh Dũng đã sụt tới gần 7kg! Dũng tự dằn vặt mình về hành vi vi phạm, và cay đắng khi nghĩ đến tương lai bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá. 

“Nó sụt tới 7kg, người cứ bé tí, thật xót xa vô cùng!”-mẹ Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Kim Oanh xót xa nói về con trai. 

Vốn có truyền thống làm nem giò lâu năm ở thành phố Nam Định, hoàn cảnh gia đình Mạnh Dũng không khó khăn nếu không muốn nói là dư dả so với nhiều người khác. Mẹ Mạnh Dũng đã không thể tin vào tai mình khi nghe hàng xóm báo tin dữ về con trai. Người mẹ này đã đến Ninh Bình tìm bầu Trường để xin lỗi nhưng nửa đêm đành quay về khi không gặp được.

Những ngày ở nhà, Mạnh Dũng gần như không dám bước chân ra đường do lo sợ ánh nhìn của hàng xóm, láng giềng. Từ một ngôi sao bóng đá, được hàng triệu người mến mộ cổ vũ, tất cả như một tấm màn đen phủ trước mắt Mạnh Dũng và các đồng đội trót “dính chàm”.

Với quyết tâm chặt tận gốc rễ tiêu cực trong bóng đá, LĐBĐVN (VFF) có thể sẽ áp dụng hình phạt rất nặng đối với các cầu thủ bán độ. Con đường trở lại với sân cỏ của những cầu thủ như Mạnh Dũng trở nên vô cùng mờ mịt.

MỚI - NÓNG