Ngày 25/11, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang mức án tử hình, tổng hợp từ hai tội giết người và hành hạ người khác. Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái chịu mức án 8 năm tù về hai tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm. Vụ thảm án với bé gái 8 tuổi xảy ra từ một năm trước liên quan đến cặp đôi tình nhân có ăn học, có công việc, điều kiện kinh tế đàng hoàng này nay lại dậy sóng.
Đại đa số bình luận trên báo chí và mạng xã hội đồng tình với bản án dành cho "dì ghẻ” Quỳnh Trang, và rằng mức án với Trung Thái, là cha ruột của bé gái nạn nhân, còn quá nhẹ. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng án tử hình ở đây nhìn sâu xa sẽ "không thực sự có tác dụng răn đe và ngăn ngừa tội phạm” bằng án chung thân.
"Mắt đền mắt, răng đền răng” một cách chóng vánh ở đây không có gì phải bàn cãi. Nhưng điều chính yếu là hung thủ phải sống để trả món nợ lương tâm, lương tri, phải dành cả phần đời dằng dặc còn lại trong giam cầm để sám hối và phục thiện. Để "sống mà nhớ lấy”.
Để bao kẻ manh tâm thủ ác ngoài đời, cũng như những người bình thường khác nhìn vào đó, mà chùn tay. Đời sống hiện đại, quan trọng không phải chết như thế nào, mà là sẽ sống ra sao? Trên thế giới, bản án chung thân chính là cái chết nghiệt ngã, dày vò nhất, chứ không phải vài ba phút ngồi trên ghế điện.
Nhớ hồi tháng 4/2015, khi bàn về Dự thảo Bộ Luật hình sự (BLHS sửa đổi), cũng đã có những ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn hình phạt tử hình. Sau đó BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã rút xuống chỉ còn 18 tội danh có hình phạt tử hình. Bộ luật này cũng bổ sung quy định xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân. So với 44 tội danh áp dụng hình phạt tử hình trong BLHS năm 1997, thì đây đã có sự thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng của hình phạt cao nhất này. Phù hợp với điều kiện thực tế về cải cách tư pháp, hòa nhập quốc tế, dân trí tại Việt Nam,...
Vụ án này có lẽ cần trở thành một ca nghiên cứu dành cho các chuyên gia tâm lý học nói chung, tâm lý học tội phạm nói riêng. "Động cơ đê hèn”, "hành vi tàn độc”, "tính chất côn đồ” như kết luận của Hội đồng xét xử là hoàn toàn đúng. Nhưng vì sao lại xảy đến với một phụ nữ mới 26 tuổi (thời điểm xảy ra vụ án), "từ nhỏ đến lớn không chơi bời, giao du mà chỉ đi học và đi làm”? Xảy đến với một người đàn ông đã 37 tuổi có học thức, chức vụ khi đang tâm tiếp tay hại chết con ruột của mình?
Thực tế hàng ngày vẫn đang diễn ra biết bao vụ án thương tâm, mang gương mặt của những Quỳnh Trang - Trung Thái khác. Tất nhiên đó là điều khó tránh khỏi, không thể loại trừ một cách tuyệt đối trong môi trường xã hội phức tạp của loài người hiện nay. Nhưng mỗi bản án không chỉ là một bài học, mà cần được tiếp cận dưới góc độ khoa học của luật pháp, trong sự giải quyết chặt chẽ, triệt để nhất trước các tác nhân xã hội.