Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, vươn lên đứng thứ 2 với 6 HCV nhiều hơn. Ở SEA Games 29, Việt Nam đứng hạng 3 với 58 HCV nhưng kém Thái Lan tới 14 HCV.
Nhưng để có được thành công đó, các VĐV Việt Nam không chỉ thể hiện trình độ vượt trội trên sân đấu mà còn nghị lực tuyệt vời trong tập luyện, thi đấu.
Đó là hình ảnh nữ lực sỹ Vương Thị Huyền rơi nước mắt trên bục nhận huy chương, nhớ về người cha đã khuất ngay trước thềm SEA Games mà cô không thể về chịu tang do đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng.
Đó là hình ảnh cô gái nhỏ bé Phạm Thị Hồng Lệ nằm bất động trên cáng, thở oxy sau khi vắt đến giọt sức lực cuối cùng ở cự ly marathon nữ để giành HCĐ nhưng chỉ ngày sau đã lại mang về tấm HCB cự ly 10.000m nữ.
Đó là hình ảnh cận cảnh khuôn mặt gần như bất động, ánh mắt lạc thần như không nhìn thấy máy quay đang đưa sát mặt mình của Nguyễn Thị Oanh sau khi cán đích đầu tiên cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật, mang về tấm HCV thứ 2 trong ngày cho điền kinh Việt Nam sau khi đăng quang cự ly 5.000m ngay trong buổi sáng. Oanh cũng là VĐV giàu thành tích của điền kinh ở kỳ đại hội này khi giành 3 HCV cá nhân.
Ở môn bóng đá, dù đã “quen” với danh hiệu vô địch sau 5 lần đăng quang ở SEA Games, nhưng nếu không có tinh thần, ý chí và bản lĩnh Việt Nam, các cô gái vàng cũng khó có thể đương đầu đối thủ Thái Lan có ưu thế về thể hình, thể lực trong trận chung kết khốc liệt kéo dài 120 phút. Đó là trận đấu mà trung vệ Chương Thị Kiều dù quấn băng trắng đùi vẫn dũng cảm ngăn cản mọi đợt tấn công của đối thủ, hậu vệ Hồng Nhung nghiến răng đá đến giây cuối cùng để rồi vào bệnh viện cấp cứu do suy kiệt thể lực.
Với bóng đá nam, dưới tay thầy “phù thủy” Park Hang Seo, các cầu thủ U22 Việt Nam đã hoàn thành giấc mơ đoạt HCV SEA Games sau 60 năm chờ đợi. Một tập thể mà mọi người như một, cùng siết tay, động viên, cổ vũ nhau vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, thể hiện đúng tinh thần Việt Nam mà thầy Park luôn truyền đạt để đi đến thành công cuối cùng.
Thành công của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 cho thấy quá trình đầu tư bài bản, sàng lọc kỹ càng đã mang lại hiệu quả, củng cố hơn hướng đi xã hội hóa TDTT, xây dựng nền thể thao chuyên nghiệp. Chưa nói tới các môn thể thao khác, chỉ riêng bóng đá thì thành công hôm nay chính là trái ngọt từ quá trình đầu tư bài bản trong công tác đào tạo trẻ cả về chuyên môn lẫn đạo đức của các CLB, các học viện bóng đá hay các trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ của các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những bài học cần rút kinh nghiệm, cần sự chuyên tâm, công tâm hơn của những người có trách nhiệm, như thất bại thảm hại của đội tuyển bóng chuyền nam, hay kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn không thể tập trung tập luyện bởi nỗi lo bị đuổi khỏi đội tuyển hay bị đúp lớp 2 năm liền do bận tập huấn.