Thăng hoa và nỗi niềm sau SEA Games 30

Pha đi bóng của Quang Hải trong trận Việt Nam gặp Indonesia
Pha đi bóng của Quang Hải trong trận Việt Nam gặp Indonesia
TP - SEA Games 30 trên đất Philippines đã khép lại thành công đối với đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) với vị trí thứ 2 toàn đoàn, chỉ sau chủ nhà Philippines. Hành trình của các vận động viên ở kỳ Đại hội năm nay được ví như một bản nhạc vui đầy cảm xúc, nhưng xen vào đó vẫn có những nốt trầm thất bại.  

Bóng đá thống trị khu vực

SEA Games 30 là kỳ Đại hội thành công nhất trong lịch sử TTVN tính đến thời điểm này. Chúng ta cán đích ở vị thứ 2 với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ, chỉ sau chủ nhà Philippines và bỏ xa Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương. Kết quả này giúp Việt Nam không chỉ hoàn thành mà còn vượt xa mục tiêu đề ra là giành 65-70 HCV, lọt top 3 toàn đoàn. Điểm nhấn của TTVN tại SEA Games 30 chính là cú đúp HCV ở môn thể thao vua - bóng đá. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta giành trọn bộ HCV ở bóng đá nam và nữ tại một kỳ SEA Games.

Sau 60 năm đằng đẵng chờ đợi, nhiều triệu người hâm mộ Việt Nam cuối cùng cũng được nếm trải niềm vui chiến thắng ở bóng đá nam, với tấm HCV lần đầu tiên trong lịch sử. Bóng đá nữ cũng không kém cạnh với kỷ lục 6 HCV ở đấu trường thể thao lớn nhất khu vực. Nói đến thành công của bóng đá Việt Nam, không thể không nhắc tới những đóng góp của hai chiến lược gia - Park Hang Seo (bóng đá nam) và Mai Đức Chung (bóng đá nữ).

Bóng đá Việt Nam đang tiếp nối thành công trong 2 năm qua, dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia Park Hang Seo. Trước đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã cùng các cấp đội tuyển Việt Nam giành nhiều kỳ tích và chiến công, như ngôi Á quân U23 châu Á, Á quân King Cup, Top 8 đội mạnh nhất Asian Cup, lọt vào bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup.

Trong khi đó, HLV Mai Đức Chung - “người cha” đáng kính của các cô gái nữ Việt Nam - một lần nữa cho thấy sự “mát tay” với bóng đá nữ Việt Nam. Với tài thao lược và kinh nghiệm phong phú, nhà cầm quân họ Mai đã dẫn dắt các học trò bảo vệ thành công ngôi hậu SEA Games. Đáng nói, trong kỷ lục 6 lần vô địch của tuyển nữ, đã có đến 4 lần là do HLV Mai Đức Chung dẫn dắt.

Những niềm tự hào của TTVN

Theo sau môn thể thao vua, các môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi lội... cũng đạt thành công ngoài mong đợi. Không đạt được kỷ lục 17 HCV như ở kỳ SEA Games trước, nhưng trong bối cảnh đội hình có nhiều xáo trộn và một số nội dung có đối thủ cạnh tranh quyết liệt, 16 HCV - đứng nhất toàn đoàn - ở kỳ đại hội năm nay vẫn là thành tích đáng tự hào của điền kinh Việt Nam. VĐV Lê Tú Chinh dù chỉ bảo vệ thành công tấm HCV 100m, nhưng thành tích của cô được đánh giá cao, khi đánh bại các chân chạy nhập tịch rất mạnh của nước chủ nhà Philippines.

VĐV Nguyễn Thị Oanh - “bé hạt tiêu” khiến nhiều người cảm động với những nỗ lực phi thường trên đường chạy. Cô là VĐV điền kinh mang nhiều HCV nhất cho TTVN với 3 tấm HCV ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m. Sau khi hoàn thành nội dung cuối và phá kỷ lục SEA Games, cô kiệt sức và gục ngã ở ngay sau vạch đích.

Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền, xứng danh nhà vô địch, khi bảo vệ thành công hai HCV 400 m và 400m rào. Thành quả được đền đáp xứng đáng, sau sự hy sinh lớn lao của Huyền: con 3 tháng phải gửi ông bà để tập luyện, 6 tháng phải cai sữa cho con...

Trong bối cảnh “âm thịnh dương suy” của điền kinh Việt Nam ở các kỳ SEA Games trước, các VĐV nam đã ghi đậm dấu ấn ở đại hội năm nay, tiêu biểu là cú đúp HCV của Dương Văn Thái ở cự ly 800m và 1.500m, hay Trần Nhật Hoàng ở nội dung 400m cá nhân và 4x400m tiếp sức hỗn hợp.

Môn bơi cũng trải qua kỳ Đại hội đáng nhớ khi đóng góp 10 HCV cho đoàn TTVN. Trên đường đua xanh, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng toả sáng với hai HCV và phá kỷ lục SEA Games ở cả hai nội dung 400 m tự do và 1.500 m. Đặc biệt, ở nội dung 1.500 m, Huy Hoàng về đích với thành tích 14 phút 18 giây 14, qua đó phá sâu kỷ lục SEA Games và đạt chuẩn A Olympic. Kình ngư người Quảng Bình cũng bất ngờ mang về cho đoàn thể thao Việt Nam một HCB ở nội dung bơi đường dài 10 km - nội dung không phải là sở trường của anh.

Dù không được chú ý nhiều như các cầu thủ bóng đá, hay các VĐV điền kinh và bơi lội, chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp của các VĐV những môn thể thao khác. Đinh Phương Thành trở thành điểm sáng của Thể dục dụng cụ Việt Nam khi đánh bại cả đương kim vô địch thế giới Carlos Yulo để mang về 2 HCV ở nội dung xà đơn và xà kép.

Ngôi sao chưa đáp ứng kỳ vọng

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là trường hợp đặc biệt của TTVN ở SEA Games 30. Với VĐV sinh năm 1996 này, tại kỳ đại hội vừa qua, nói là thành công bởi cô là VĐV giàu thành tích nhất SEA Games năm nay với 6 HCV và 2 HCB. Tính đến thời điểm hiện tại, nàng tiểu tiên cá vẫn là VĐV bơi lội thành công nhất lịch sử Việt Nam với bộ sưu tập 25 HCV SEA Games. Tuy nhiên, ở khía cạnh chuyên môn, Ánh Viên lại thất bại bởi thành tích của cô đi xuống so với các kỳ đại hội trước.

Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh không đáp ứng kỳ vọng khi để vuột tấm HCV súng ngắn hơi 10m vào tay đối thủ người Thái Lan ở chung kết. Đây là lần thứ hai liên tiếp anh không thể giành HCV ở nội dung sở trường này tại SEA Games, sau khi vô địch Olympic Rio 2016. Thất bại của xạ thủ Quân đội cũng phản ánh bộ mặt của bắn súng Việt Nam tại kỳ đại hội năm nay, kết thúc với vị trí thứ 6/6 nước tham dự.

Môn cờ vua trải qua kỳ SEA Games đáng thất vọng khi không có tấm HCV nào, dù chúng ta có đủ lực lượng “binh hùng tướng mạnh” như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi...(nam) hay Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng, Hoàng Thị Bảo Trâm... (nữ) có kinh nghiệm chinh chiến ở các đấu trường quốc tế. Trước đó, ở lần gần nhất xuất hiện của môn này, năm 2013, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã mang về cho Việt Nam 2 HCV (SEA Games 27). Trước đó vào năm 2011, tuyển cờ vua Việt Nam thậm chí giành đến 6 HCV (SEA Games 26). Năm 2005, chúng ta từng thống trị khu vực khi giành trọn 8 HCV (SEA Games 23)...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.