Ngọc “Sát thủ” tên thật là Đàm Quang Ngọc sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, ông nội vốn là nhà nho. Nhưng Ngọc không theo nghiệp chữ nghĩa mà cuộc đời rẽ theo một hướng khác. Học hết cấp ba, thi đại học không đỗ, Ngọc tìm cách vượt biên sang Hồng Kông vì nghe nói bên đó dễ kiếm tiền.
Cuộc sống nơi đất khách đầy những cạm bẫy đã đưa Ngọc vào con đường giang hồ. Sau những lần gây gổ, đánh nhau, Ngọc “Sát thủ” gây những trận đâm chém để “lấy số” trong giới giang hồ, gây dựng cánh đàn em bảo kê khu người Việt.
Khi bè cánh bị “chặt đứt” dần, Ngọc phải chạy dạt để bảo toàn mạng, sống cảnh đói ăn, thiếu mặc nơm nớp lo bị trả thù, bị bắt, bị “tống” về nước. Ngọc “Sát thủ” chia sẻ, cuộc đời có lẽ cứ chìm sâu mãi trong vòng xoáy lỗi lầm như thế nếu như không có những biến cố thăng trầm xảy ra trong cuộc sống gia đình. Giữa năm 2004, nghe tin bố mẹ đau bệnh, ốm yếu, Ngọc về nhà… Nhưng cuộc sống sau ngày về cố hương không hề dễ dàng.
Với hai bàn tay trắng, Ngọc bắt đầu làm lại cuộc đời bằng việc vẽ thuê. Thời gian đó, Ngọc tranh thủ ôn thi tiếp vào trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Nhưng máu yêng hùng xưa thi thoảng vẫn trỗi dậy. Trong một cuộc xô xát với nhóm giang hồ, bàn tay Ngọc đã không còn nguyên vẹn. Khi đó anh mới chua chát nghĩ về tương lai phía trước.
Bước ngoặt cuộc đời Ngọc là khi bén duyên với chị Lê Thị Mưa, kém gần chục tuổi. Ngày anh rời quê Quảng Ninh ra đi chị hãy là cô bé con, mấy năm sau anh ta trở về Mưa đã là cô gá duyên dáng, nết na. Ưng cô hàng xóm vì cái nết, mặt khác trong lòng cũng mong muốn có một người vợ hiền đảm để những khi anh “nóng” còn có người “lạnh” bù trừ cho nhau.
Về phần chị Mưa, cho dù lời tiếng về quá khứ giang hồ của anh cũng khiến chị có phần e sợ, nhưng càng tiếp xúc, càng thấy anh là người chị an tâm để trao gửi cuộc đời. Lấy nhau xong, vợ chồng Ngọc lên Bát Tràng (Hà Nội) mưu sinh.
Khi sinh con, Ngọc không đi làm thuê nữa mà chỉ ở nhà chăm vợ con và vẽ tranh gốm cho riêng mình. Những bức tranh gốm do anh vẽ ngày càng đẹp và bắt mắt. Khách quen ngày càng nhiều, những người khách ái mộ tài hoa và sự niềm nở của gia đình anh cũng giới thiệu thêm khách hàng mới. Một đồn hai, hai đồn ba, cứ thế những bức tranh gốm của anh ngày càng đi xa.
Ngồi kể chuyện xưa, anh cười chua chát: “Nếu không có cái nghề vẽ tranh viết chữ, có lẽ giờ tôi vẫn đang dật dờ ở đâu đó. Mấy năm trước về làng, có người còn không nhận ra, họ tưởng tôi đã chết bờ chết bụi ở đâu rồi”.
Có trong tay chút vốn liếng, vợ chồng anh khăn gói về quê mưu sinh. Nơi anh tìm đến là núi Yên Tử - mảnh đất được mệnh danh “đất tổ của Phật giáo Việt Nam”. Anh Ngọc kể rằng, từ nhỏ mình đã có căn cơ với Yên Tử. Có thể vì thế mà sau bao nhiêu năm phiêu bạt xứ người anh vẫn an toàn trở về được. May mắn, anh được Ban quản lý khi di tích và rừng quốc gia Yên Tử sắp xếp cho một vị trí ngồi viết thư pháp ở lối lên đền Giải Oan trong khuôn viên lễ hội.
Vẽ đẹp nhất nhì trong nhóm ông đồ nơi đây, lại thêm tính tình phóng khoáng, mau miệng, hay cười nên anh Ngọc được nhiều du khách quý mến. Lượng khách ngày càng đông, chị Mưa phải mang theo con lên núi Yên Tử để phụ giúp chồng.