Ông đồ lại dựng lều cạnh hồ Văn

Phố ông đồ cạnh hồ Văn năm 2015.
Phố ông đồ cạnh hồ Văn năm 2015.
TP - Ngoài số lượng ông đồ năm ngoái đủ điều kiện cho chữ, năm nay Ban tổ chức (BTC) tiếp tục sát hạch và chọn thêm 15 người. Trong họp báo chiều 25/1 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến nói Hội chữ xuân Bính Thân “không cho phép tự phát ngoài hồ Văn”.

Quá nửa lại trượt

Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 theo lối năm ngoái, gồm Triển lãm thư phápHội cho chữ kéo dài hết mùng 8 tháng Giêng. Kỳ sát hạch ông đồ năm ngoái cũng lắm ì xèo, BTC tự nhận rút kinh nghiệm. “Hôm 10/1, chúng tôi khảo hạch 44 người, 15 người đỗ. Riêng năm nay chia thành hai loại, trong đó 9 người được cho chữ ba năm liên tiếp, số còn lại chỉ có thời hạn một mùa”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám nói.

Người đỗ chính thức năm ngoái cứ yên tâm dựng lều, theo lãnh đạo Sở, vị trí ngồi được bốc thăm và phân chia theo các CLB, người cho chữ tự do. Trưởng Ban giám khảo sát hạch năm nay, ông Trần Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO khẳng định, 9 thành viên giám khảo “có trình độ chuyên môn, học vấn tốt và được giới thư pháp vinh danh, lựa chọn công tâm”.

“Năm ngoái trượt nhiều hơn năm nay. Chúng tôi mong muốn trả lại giá trị đích thực, để người dân không phải treo chữ sai trong nhà”, ông Chí nói. Ông Chí kể thêm, nhiều người trượt kỳ thi năm trước quyết phục thù, hỏi xin địa chỉ học. Một năm dùi mài cũng có khác, nhiều người vượt qua kỳ khảo hạch, người không học vẫn dậm chân tại chỗ. “Chúng tôi cho biết đề trước, cho phép về nhà luyện trước thế mà vẫn có người trượt, có người phát giấy bút xong xin thôi vì không đủ năng lực”.

Thay vì tập trung mặt chữ để loại bớt người không biết chữ như năm ngoái, năm nay giám khảo chấm dựa trên năm tiêu chí, đề cao chương pháp: Viết đúng-BTC đánh máy rồi mà vẫn có người nhìn theo cũng viết sai- viết đẹp, chuẩn, chương pháp, hài hòa. Ông Trần Quốc Chí cho biết thêm, có một tác giả ở Hải Phòng thi dù không viết ở hồ Văn, viết xong xin BGK chỉ vẽ cặn kẽ để “hành nghề” tại quê nhà.

Ngăn chặn lộn xộn, tự phát

Kết thúc họp báo, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, ông đồ Lưu Việt có đơn xin khôi phục phố ông đồ, Sở ký công văn trả lời từ chối. Nỗ lực đưa các ông đồ vào cạnh hồ Văn từ năm ngoái để “xóa sổ” hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lối đi của khách đi bộ gây mất an ninh trật tự.

Ông Lê Xuân Kiêu hứa sắp xếp hợp lý hơn, dù gì cũng phải hướng tới văn hóa khi xin chữ, tránh chen lấn xô đẩy. Quanh chuyện không khôi phục phố ông đồ, ông Kiêu nói ký ức bấy lâu trong tâm trí người dân cũng cần thời gian thay đổi. “Trong điều kiện xã hội hiện đại, việc xác lập sản phẩm văn hóa cũng cần thời gian. Chúng tôi cố gắng xây dựng sản phẩm văn hóa hấp dẫn hơn”, ông Kiêu nói.

Hỏi có giá sàn không, đại diện BTC đáp ngay có niêm yết giá theo mức độ các loại giấy. Thấp nhất là 50 nghìn đồng cho giấy bồi, loại giấy xuyến chỉ là 100-120 nghìn đồng, cao nhất là 200 nghìn đồng. Tùy nhu cầu khách dùng biểu lớn hơn, giá có thể lên đến 300-400 nghìn đồng theo kiểu thuận mua vừa bán.

Thượng tá Lê Hữu Cường, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa hứa “đảm bảo an ninh trật tự tuyệt đối cho Hội chữ Xuân”. Theo đó, công an phân luồng giao thông để người dân qua đường tới hội chữ thuận lợi hơn, đồng thời phối hợp bảo vệ của Trung tâm không cho phép các hộ kinh doanh, viết chữ vượt ngoài khu vực hồ.

Triển lãm Thư pháp chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” khai mạc sáng 2/2, bế mạc và trao giải chiều 15/2. BTC chọn ra gần 100 tác phẩm thư pháp chữ Hán Nôm, Quốc ngữ kích thước 70x70cm, 70x140cm. Khán giả tham quan triển lãm được thực hành viết chữ trên các hộp gỗ đựng cát, phía trên có các tấm mica đục sẵn mẫu chữ. Các ông đồ tham gia viết chữ tại 100 lều bạt tạm thời quanh hồ Văn. BTC chọn ra một số vị trí mời các Đại lão Thư pháp gia có nhiều đóng góp như cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách.

BTC tạo điều kiện, mở cửa di tích từ 8h-20h, từ mùng 1 đến 8 Tết.

MỚI - NÓNG