Từ diễn viên múa đến giám khảo Hoa hậu Việt Nam

NSND Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Viêt Nam 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh
NSND Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Viêt Nam 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh
TPO - Ít ai biết rằng giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 - NSND Hà Thế Dũng (Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM) cũng chính là diễn viên múa và người cầm tay dẫn dắt các thí sinh trên sân khấu Hoa hậu Việt Nam năm đầu tiên 1988.

Ông cảm thấy thế nào khi trước kia từng biểu diễn trên sân khấu HHVN, nay lại là một thành viên ban giám khảo?

Giữa tôi và báo Tiền Phong dường như có một mối duyên kì ngộ. Là một nghệ sĩ múa, tôi đã từng nhiều lần cộng tác với báo Tiền Phong trong một số chương trình như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1988, 1990 và 1992 – năm Hoa hậu Hà Kiều Anh đăng quang. Lúc đó tôi cảm thấy rất vui và vinh dự vì được diễn ở một chương trình lớn, được cầm tay dắt các thí sinh ra sân khấu. Giờ đây, khi trở lại cuộc thi với một cương vị khác – là giám khảo, tôi cảm thấy lâng lâng và xúc động. vì nhờ bề dày kinh nghiệm mà mình được tham gia đánh giá các thí sinh. Đây là một công việc rất khó, nhưng tôi đang thực hiện nó theo cảm quan và cả kinh nghiệm học thuật của mình để đảm bảo sự công bằng.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất hạnh phúc vì được nhìn thấy các thí sinh ngày càng đẹp hơn, có nhiều trải nghiệm và có phần bớt ngờ nghệch hơn so với các thí sinh tham gia thi HHVN hàng chục năm trước. Tôi vẫn luôn cầu mong tầm tri thức của các cô gái đi thi sắc đẹp ngày càng được tăng lên.

Ông nhớ điều gì nhất trong những kì tham gia HHVN ở các cương vị khác nhau?

Điều đáng nhớ nhất của tôi khi tham gia các kì Hoa hậu là sự khó khăn trong việc dàn xếp đội hình trên sân khấu. Những người phụ trách dàn đội hình đã rất nhiều lần phải đau đầu và tranh luận căng thẳng vì các thí sinh liên tục đi sai. Khi chúng tôi đã định hình là thí sinh này sẽ đứng chỗ này thì y như rằng ngay sau đó, các cô gái đứng sai vị trí khiến đội hình rối tung.

Một kỉ niệm khác cũng đáng nhớ không kém là có lần, khi kết thúc một mùa Hoa hậu, các thí sinh đã ngồi quây quần bên chúng tôi rồi... khóc. Mọi người đều khóc, vì vui sướng và vì nhớ lại những gian truân mà mình đã trải qua trong hành trình đi tìm người đẹp nhất. Sau cuộc thi, nhiều thí sinh đã quay lại cảm ơn chúng tôi vì giúp họ nhận ra cần phải tỏa sáng, phải nỗ lực thì mới đạt được thành quả, chứ không phải chỉ cần có vóc dáng đẹp, gương mặt ưa nhìn, giọng nói hay... là có thể trở thành Hoa hậu.

Sau 28 năm, theo ông, cuộc thi HHVN đã thay đổi như thế nào?

Tôi cho rằng tính chuyên nghiệp của cuộc thi đã tăng lên nhiều. Cách thức tổ chức và trình tự hoạt động đã logic hơn và chuẩn chỉ hơn, tạo nên một nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, mỗi kì Hoa hậu vẫn luôn có những thay đổi cho phù hợp với thời đại. Vừa duy trì được những giá trị cốt lõi, vừa tự thay đổi và làm mới mình, đó chính là điều thu hút tôi ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Là một nghệ sĩ múa, ông đánh giá cao những tiêu chí gì ở các thí sinh HHVN?

Thứ nhất, đối với tôi, điều quan trọng là các thí sinh phải nỗ lực lao động. Các bạn phải tập đi trên giày cao gót, cũng như chúng tôi khi múa phải tập đứng trên mũi giày.

Thứ hai, các bạn phải tạo được một phom dáng, phong cách riêng. Qua quá trình luyện tập, các bạn cần thể hiện rằng mình là một cô gái có nội lực thực sự, cần cải thiện vóc dáng, thần thái, giọng nói... Là một nghệ sĩ múa, tôi có thể nhìn ra và đánh giá được những điều này.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.

MỚI - NÓNG