Từ cuộc chiến Nga-Ukraine: Tàu không người lái sẽ thay đổi tác chiến trên biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với sự phát triển của công nghệ thiết bị không người lái trên biển và công nghệ AI, tàu không người lái và phương tiện ngầm không người lái trở thành vũ khí tác chiến trên biển mới mà nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển.
Từ cuộc chiến Nga-Ukraine: Tàu không người lái sẽ thay đổi tác chiến trên biển ảnh 1
USV đời đầu của Ukraine

Hãng thông tấn Ukrinform ngày 14/2 đưa tin Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (HUR) cùng ngày thông báo, họ đã hợp tác với các đơn vị khác đánh chìm tàu đổ bộ lớn “Caesar Kunikov” của Nga. Nhiệm vụ do đơn vị đặc nhiệm số 13 của HUR thực hiện. Theo bản tin, chiếc tàu đổ bộ Nga đã bị tàu không người lái của Ukraine tấn công ở vùng biển gần Alupka, Crimea làm thủng mạn trái của tàu và khiến nó chìm.

Đơn vị lực lượng đặc nhiệm số 13 của HUR đã thực hiện và sử dụng USV cảm tử MaguraV5 cho nhiệm vụ này. Loại USV cảm tử này đã nhiều lần tấn công thành công các tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga: Ngày 4/8/2023, tàu đổ bộ “Olenegorsky Gornyak” bị thương và ngập nước; ngày 1/2/2024, tàu tên lửa “Ivanovich” bị chìm. Nếu cộng thêm các tàu “Minsk” và “Novocherkassk” trước đó bị tên lửa hành trình Ukraine đánh trúng, ít nhất 4 tàu lớp Type 755 “Ropucha” đã bị tổn thất trong trận chiến, điều này đã ảnh hưởng đến khả năng tác chiến đổ bộ của Hạm đội Biển Đen.

Toàn bộ Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga chịu tổn thất nhiều trong chiến đấu đến mức không thể ngờ tới, hơn nữa, sau khi quân đội Ukraine hứng chịu thất bại nặng nề trên bộ, họ thường xuyên trút hận vào Hạm đội Biển Đen, áp lực mà hạm đội này phải đối mặt rất lớn. Các cuộc tập kích thường xuyên và thành công của quân đội Ukraine cũng đã khơi dậy sự quan tâm của quốc tế đối với các USV cảm tử của quân đội Ukraine. Vậy quân đội Ukraine trang bị những loại USV nào? Tính năng kỹ thuật ra sao?

Tàu không người lái (USV) cảm tử của Ukraine xuất hiện lần đầu vào tháng 9/2022, khi một USV tự sát mắc cạn ở bờ biển gần Sevastopol. Chiếc USV này được sơn màu đen, có mạn rất thấp, được điều khiển bằng bơm nước, mang chất nổ bên trong, được lắp cảm biến chạm nổ ở mũi tàu và có cột quang điện thấp phía trên giữa thân tàu bên trong được tích hợp camera hồng ngoại và camera thường; thiết bị hình vuông ở đuôi là ăng-ten liên lạc vệ tinh, có thể điều khiển tác chiến từ xa thông qua vệ tinh liên lạc.

Tháng 11/2022, chính phủ Ukraine chính thức công bố chiếc USV tự sát này thông qua nền tảng gây quỹ UNITED24. Chiếc USV này dài 5,48 mét, được cho là có thể tải trọng lên tới 181 kg, tốc độ tối đa khoảng 80,4 km/h, tầm hoạt động khoảng 80 km và có thể tự chủ di chuyển trong 60 giờ. Quân đội Ukraine đã nhiều lần sử dụng loại USV này để tấn công các cảng và tàu khu trục của Nga nhưng chưa có ghi nhận nào về các cuộc tấn công thành công.

Có lẽ vì thế hệ USV cảm tử đầu tiên không mấy thành công trên chiến trường nên Ukraine đã nhanh chóng tung ra thế hệ USV cảm tử thế hệ thứ hai là Magura V5. Kích thước của MaguraV5 lớn hơn, với chiều dài 5,5 mét, chiều rộng 1,5 mét, trọng lượng 1 tấn, tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ, tầm hoạt động 450 hải lý (833 km), tải trọng 320 kg, số lượng thuốc nổ mang theo tăng nhiều.

Hình dáng của tàu cũng thay đổi, có mạn cao hơn, sơn màu xám khó nhìn, được trang bị tháp với cảm biến quang học/hồng ngoại quan sát và ăng-ten liên lạc vệ tinh mới được lắp đặt ở đuôi tàu để điều khiển từ xa. Có tin Ukraine đã tăng mức độ nội địa hóa tàu MaguraV5, thân tàu, thiết bị điện tử và phần mềm hoàn toàn do Ukraine phát triển, hơn 50% linh kiện được sản xuất trong nước.

Vào tháng 8/2023, Ukraine trình làng chiếc USV cảm tử mới có tên “Sea Baby” và nhận trách nhiệm về vụ tấn công cầu Crimea vào ngày 17/7/2023. Vũ khí được sử dụng là USV loại “Sea Baby”. Ông Vasyl Maliuk, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine, khi đó cho biết, chiếc “Sea Baby” do Ukraine tự phát triển theo thiết kế của USV cảm tử đời đầu, nhưng có kích thước lớn hơn và được cho là có thể mang theo 850 kg chất nổ, là loại USV cảm tử cỡ lớn được thiết kế đặc biệt để tấn công các cây cầu hoặc bến cảng ở Crimea. “Sea Baby” cũng được sơn màu xám khó nhìn, được trang bị cảm biến quang học và thiết bị liên lạc vệ tinh, có thể điều khiển từ xa, có tốc độ khoảng 80 km/h và khả năng cơ động mạnh.

Ngoài ba loại USV cảm tử trên, quân đội Ukraine cũng đã phát triển loại USV giá rẻ dựa trên xuồng máy, hiệu suất cụ thể chưa rõ nhưng để giảm giá thành nên sử dụng thiết bị quang điện tử và liên lạc vệ tinh đơn giản hơn, mang theo lượng thuốc nổ tương đối ít, có thể được sử dụng chủ yếu để tấn công các tàu nhỏ như tàu tên lửa và tàu tuần tra của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Quân đội Nga cũng đã đẩy mạnh phát triển tàu thuyền không người lái. Vào tháng 12/2023, Mikhail Danilenko, tổng giám đốc Nhà máy sản xuất máy móc Kingisep (KMZ) của Nga, cho biết KMZ đã chế tạo chiếc USV đầu tiên do Nga sản xuất cho Bộ Quốc phòng Nga, nó đã được gửi đến các khu vực của “Chiến dịch quân sự đặc biệt” để thử nghiệm.

Tên mã hiện tại của tàu không người lái mới này là “BBKN-Dandelion”; USV này sử dụng động cơ đẩy phản lực nước, tốc độ tối đa khoảng 80 km/h, trọng tải khoảng 600 kg, ngoài việc thực hiện các cuộc tấn công cảm tử, nó còn có thể đảm nhận các nhiệm vụ như vận chuyển binh sĩ, vật tư, hoặc mang theo tên lửa, súng máy và hệ thống tác chiến điện tử để thực hiện các hoạt động đánh chặn chống USV.

Với sự phát triển của công nghệ thiết bị không người lái trên biển và công nghệ AI, tàu không người lái và phương tiện ngầm không người lái trở thành vũ khí tác chiến trên biển mới mà nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển. Có thể đoán trước, nó sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn và tác động của nó đến các trận hải chiến trong tương lai cũng sẽ lớn hơn.

MỚI - NÓNG