Mạng xã hội gần đây đã lan truyền một đoạn video cho thấy Ukraine đã triển khai một loại vũ khí mới để tấn công hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad của Nga gần thành phố Kreminna, Luhansk.
Vụ nổ lớn đã làm dấy lên đồn đoán rằng lực lượng Ukraine rất có thể đã triển khai bom tầm xa GLSDB do Mỹ cung cấp.
Nếu thông tin này được xác nhận, sự xuất hiện của GLSDB diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang theo dõi các cuộc tấn công của quân đội Nga dọc theo một số khu vực của tiền tuyến, bao gồm phía tây Kreminna và xung quanh thành phố Avdiivka.
Được biết, hồi cuối tháng 1, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm thành công một loại bom chính xác tầm xa mới dành cho Ukraine, dự kiến sẽ có mặt trên chiến trường sớm nhất vào 1/2.
Ấn phẩm lưu ý, đây là lô bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) đầu tiên mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, đồng thời cũng là loại bom tầm xa mới mà ngay cả quân đội Mỹ còn chưa sở hữu.
Theo báo cáo, loại bom mới này được Boeing và công ty Saab của Thụy Điển hợp tác sản xuất. GLSDB bao gồm bom dẫn đường chính xác nặng 113 kg, gắn trên một động cơ rocket, có khả năng phóng từ nhiều hệ thống mặt đất khác nhau.
Quan chức Mỹ nhận định, quả bom mới có tầm hoạt động lên đến 150 km, dự kiến sẽ mang lại khả năng tác chiến đáng kể đối với Ukraine. Chúng có thể được bắn từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS hoặc M270 MLRS.
BM-21 Grad là hệ thống pháo phản lực 122 mm, được thiết kế để vô hiệu hóa tên lửa chống tăng, chế áp các hệ thống pháo và súng cối, đồng thời tiêu diệt cứ điểm của đối phương trên tiền tuyến.
Mỗi bệ phóng BM-21 được trang bị 40 ống phóng cỡ nòng 122 mm. Hệ thống rocket được đặt phía sau khung gầm xe tải với khả năng bắn tên lửa trực tiếp từ buồng lái. Sau khi khai hỏa, mất khoảng 10 phút để phương tiện tái nạp đạn.
Một rocket tiêu chuẩn của hệ thống có tầm bắn khoảng 20 km, khi sử dụng các biến thể mới hơn, tầm bắn của chúng có thể lên tới 35-40 km.