Trước khi nhóm được các bạn nước ngoài thành lập đầu tháng 5 này, đây đó hình ảnh người nước ngoài nhặt rác ở Hà Nội hay các khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã dần phổ biến trên truyền thông. Họ giống như đang dạy chúng ta bài học cơ bản của việc làm chủ. Vâng, chủ nhà không dọn, khách đành phải xắn tay vào…
Nhưng hình ảnh Tây móc cống vẫn còn rất lạ, nên báo chí lập tức đăng tải, không quên phỏng vấn ông Hoàng Trung Kiên - chủ tịch phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy nơi có cái cống nọ. Quan điểm của phường - phải xin phép mới được dọn dẹp- khiến dư luận một phen xôn xao. Một số người đặt vấn đề, vậy vứt rác bừa bãi cũng nên xin phép!? Thực ra Hà Nội không hiếm cống rãnh bẩn thỉu bốc mùi hôi thối rác rưởi tắc nghẽn. Giá những chỗ này được chỉnh trang thường xuyên như… vỉa hè thì tốt!
Mỗi dịp nghỉ lễ, báo chí lại lên án việc người dân vứt rác tại các điểm du lịch, các nơi công cộng. Những người dân mang cung cách đó đương nhiên chẳng ngại gì mà không bày rác quanh khu mình ở. Cống tắc vì rác sinh hoạt ở Yên Hòa là ví dụ. Đương nhiên họ cũng có cái lý của họ: Tôi đã đóng tiền vệ sinh hàng tháng, công ty môi trường có nhiệm vụ thanh toán những gì tôi thải ra. Thực ra công ty môi trường hẳn cũng rất lúng túng vì sinh hoạt tiêu dùng của chúng ta phát triển sánh ngang Tây nhưng công nghệ xử lý rác thải lại không như vậy. Chỗ cống rãnh kia có thể được làm sạch một cách tương đối bằng cách thu dọn rác nhưng để đổi màu nước thì là câu chuyện dài. Người Việt ta xem ra còn chưa đủ ý thức để vứt rác đúng nơi quy định nói gì đến giải những bài toán môi trường hóc búa. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường ngày càng báo động.
Có nhiều cách để thể hiện thái độ đối với việc đầu độc môi trường. Nhưng thể hiện kiểu gì, khi chính chúng ta không tránh khỏi là gánh nặng cho môi trường. Khi mua sắm thêm món đồ gì đó đồng nghĩa thúc đẩy sản xuất chúng. Cho nên đừng ngạc nhiên nếu ngày càng nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc lên phun khói độc, xả nước độc… Cũng là để phục vụ nhu cầu của bạn đấy.
Bởi vậy nên thực hành tiết kiệm, triệt để tránh lãng phí. Đi ăn hàng đừng bỏ thừa. Có thể mặc cái áo lần nữa nếu nó vẫn còn sạch thay vì thảy ngay vào máy giặt. Và nếu muốn thay chiếc điện thoại mới chỉ để tỏ ra sành điệu, cho bằng bạn bằng bè thì rất nên nghĩ lại. Chiếc điện thoại bạn đang dùng tốt nếu vứt đi thành ngay loại rác khó xử lý và gây độc hại nhất… Tóm lại, có không ít thói quen cần thay đổi để bảo vệ môi trường, để cứu lấy cuộc sống của chúng ta và con cháu.
Sẽ có người nói rằng tiêu dùng tiết kiệm quá lại kiềm hãm phát triển kinh tế. Xin thưa, phát triển kinh tế không bền vững dựa trên lòng tham tới một lúc nào đó sẽ khủng hoảng, tạo hậu quả khôn lường. Bởi tất cả những gì chúng ta tạo ra đang lấy từ tài nguyên thiên nhiên hữu hạn. Chúng ta biết nhiều cách để khai thác nhưng không tài nào trả lại chúng về trật tự cũ. Và tất cả những sản phẩm đó sớm muộn gì đều trở thành rác, đổ ụp lên chính chúng ta.
Bởi vậy, trước khi nghĩ ra một mô hình phát triển kinh tế mới, trước khi thạo cách sử dụng những tài nguyên an toàn (như năng lượng mặt trời, gió, nước…), loài người hãy biết cách giới hạn nhu cầu phù phiếm của bản thân.