Tự chủ giáo dục ĐH công lập: Nhà nước cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng

Tại các trường ĐH tự chủ, sinh viên sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong học tập, nghiên cứu.
Tại các trường ĐH tự chủ, sinh viên sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong học tập, nghiên cứu.
TP - Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập đang được lấy ý kiến các trường, các Bộ, ngành có liên quan. Theo Dự thảo, các nội dung mà các trường ĐH được tự chủ gồm: hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ; bộ máy nhân sự; tài chính; quản lý sử dụng tài sản.

Hội đồng trường tối thiểu 19 thành viên

Dự thảo quy định, Hội đồng trường có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 19 thành viên, trong đó số lượng thành viên bên ngoài tham gia Hội đồng trường chiếm không dưới 30% tổng số thành viên của Hội đồng trường. Trong trường ĐH tự chủ, hội đồng trường có rất nhiều quyền hạn. Cụ thể, Quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động nhà trường.  Căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, Hội đồng trường giao cho Hiệu trưởng được quyền quyết định một số nội dung cụ thể về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Thực hiện quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng theo quy định đề nghị cơ quan chủ quản bổ nhiệm...

Được biết, hiện nay, đã có 23 trường ĐH được tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, trong số này vẫn còn một số trường chưa thành lập Hội đồng trường.

Ngoài tự chủ nhân sự, vấn đề tự chủ đào tạo, khoa học công nghệ cũng là một nội dung đáng quan tâm. Trong đó, các trường được quyết định quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành đào tạo theo danh mục giáo dục đào tạo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của  cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội; Quyết định phát triển chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, hình thức đào tạo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; công tác tổ chức đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra đúng như cam kết của cơ sở giáo dục đại học với người học; quyết định  in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và quy định riêng của cơ sở giáo dục đại học...

Những quy định này không mới so với Nghị định 77 hiện hành. Nhưng có thực tế, trong những năm vừa qua, khi thực hiện thí điểm giao cơ chế tự chủ, nhiều trường đã mở ngành đào tạo phi mã. Báo chí cũng đã có phản ánh về thực trạng này.

Ngân sách nhà nước được đầu tư linh hoạt

Một nội dung khi thực hiện tự chủ mà các trường đặc biệt quan tâm, đó là tài chính. Trong quy định về tự chủ tài chính tại dự thảo, nội dung này được quy định khá rõ. Ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm cho cơ sở giáo dục đại học sau khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính đến hết năm 2020. Mức hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm ổn định bằng mức ngân sách cấp chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục đại học trong năm trước liền kề năm chuyển sang cơ chế tự chủ. Cơ sở giáo dục đại học đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trước thời điểm Nghị định này ban hành, được nhà nước thí điểm cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, giao kinh phí trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020. Từ năm 2021, ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định.

Dự thảo cũng nói rõ Nhà nước tiếp tục cấp vốn đầu tư phát triển cho cơ sở giáo dục đại học đối với các dự án đầu tư dở dang và các dự án đầu tư khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.

Liên quan đến tài chính, trong dự thảo quy định sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu chi nếu có, cơ sở giáo dục đại học phải trích tối thiểu 25% để lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Đối với các quỹ khen thưởng; quỹ phúc lợi; quỹ hỗ trợ sinh viên và các quỹ khác, mức trích quỹ do cơ sở giáo dục đại học tự quyết định và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục đại học. Nhà trường sử dụng quỹ hỗ trợ sinh viên để cấp học bổng cho các sinh viên có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và gia đình sinh viên có khó khăn về kinh tế. Mức cấp học bổng tối thiểu phải bằng mức học phí hiện hành của nhà trường.

Trong chương tổ chức thực hiện, dự thảo nghị định đưa ra trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó nêu rõ, trách nhiệm của Bộ Nội vụ là rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và người lao động trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của nghị định này.

Các trường được quyết định quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành đào tạo theo danh mục giáo dục đào tạo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của  cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. (Trích Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lập).

MỚI - NÓNG