Từ Bồ Đào Nha đến Việt Nam theo con sóng

Cả gia đình cùng nhau đến biển Nam Ô, Đà Nẵng.
Cả gia đình cùng nhau đến biển Nam Ô, Đà Nẵng.
TP - Từ tình yêu với một cô gái Việt, Gonc,alo Cabrito, 40 tuổi, chủ nhà hàng người Bồ Đào Nha đã đi theo tiếng gọi tình yêu đến Việt Nam sinh sống, dạy lướt ván và đồng hành với trẻ tự kỷ ở Đà Nẵng.

Mang theo giấc mơ Bồ Đào Nha

Niềm đam mê bộ môn lướt ván trên biển và tình yêu với cô gái Việt, Nguyễn Nguyệt Thu, một nghệ sĩ viola quốc tế. Anh Gonc,alo Cabrito đã theo Thu sang Việt Nam định cư và thành lập trường dạy lướt ván, Da Nang Surf School, nằm cạnh bãi biển, đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà.

Gonc,alo có nước da ngăm đặc trưng của vùng biển Bồ Đào Nha, nơi có những con sóng khổng lồ vào loại bậc nhất thế giới, nhất là tại làng Praia do Norte, Nazare, Bồ Đào Nha, nơi luôn thu hút những giới lướt sóng chuyên nghiệp ở độ cao sóng biển đến 12m. Gonc,alo đam mê lướt ván, anh bắt đầu học lúc 12 tuổi và tham gia học chuyên nghiệp tại Hiệp hội Lướt sóng Quốc tế ISA.

Đà Nẵng đối với Gonc,alo rất tĩnh lặng, yên bình và đẹp. “Tôi đã từng đi đến biển Nha Trang, nhưng thành phố có quá đông khách du lịch và ồn ào. Tôi muốn dạy lướt ván cho những người Việt thay vì người nước ngoài, tôi chọn Đà Nẵng” - anh chia sẻ. Gonc,alo biết rằng biển luôn rất nguy hiểm, chính vì vậy, anh muốn dạy cho người dân Việt những kỹ năng để ứng phó trước biển.

“Da Nang Surf School” (tạm dịch Trường dạy lướt ván - PV) của Gonc,alo chỉ mới bắt đầu khi anh đến định cư tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 5 vừa qua, dành cho tất cả những ai muốn trải nghiệm cảm giác trên biển. Lớp học từ 1-8 người, từ độ tuổi 15-60 tuổi. Gonc,alo chia sẻ: “Từ khi mở lớp đã có ít nhất 40 người đến học lướt sóng, có những khách du lịch ở các nước Úc, Trung Quốc,…và người Việt Nam”. Mỗi khóa kéo dài 6 tiếng, mỗi giờ có giá 200 nghìn đồng/người. Bài học đầu tiên sẽ giúp các “học sinh” tìm hiểu làm thế nào để chèo và đứng lên ván, sau đó là học cách lướt sóng.

Gonc,alo nói rằng, mỗi ngọn sóng với chiều cao khác nhau sẽ mang đến những trải nghiệm thách thức và mạo hiểm khác nhau. Gonc,alo kể: “Một lần, tôi dạy cho những người Việt trong đó có một anh chàng, anh ta khi chèo được liền chèo ra rất xa nhưng lại không biết bơi. Chúng tôi phải theo anh ta để đề phòng nguy hiểm”.

Gonc,alo thích dạy cho người Việt, anh nói: “Người Việt rất năng động nhưng điểm khó nhất là họ luôn sợ hãi, không tự tin vào bản thân. Khi nhìn thấy mọi người lướt sóng, họ rất vui và muốn thử nhưng khi được cầm tay chèo, họ liền xua tay, cho rằng mình không thể làm được”. Khi đó, Gonc,alo đã gửi cho họ những tấm ảnh về đứa trẻ lướt sóng, Gonc,alo nói rằng những đứa trẻ có thể làm được và chúng ta cũng vậy. Hiện Gonc,alo có 28 chiếc ván lướt các loại. Những chiếc ván lướt lớn giúp phụ nữ có thể tập yoga trên biển.

Từ Bồ Đào Nha đến Việt Nam theo con sóng ảnh 1

Đám cưới của cặp đôi Bồ Đào Nha - Việt. Ảnh: NVCC.

Mối tình Việt trên đất Bồ Đào Nha

Gonc,alo kể, anh gặp Nguyễn Nguyệt Thu, người Hà Nội, rất tình cờ khi cô qua Bồ Đào Nha trong một chương trình âm nhạc quốc tế. Đó là khoảng thời gian hơn 10 năm về trước. Khi đó, Thu thường đến ngồi tại nhà hàng của Gonc,alo. “Lần đầu tiên khi nhìn thấy cô ấy ngồi trên ghế, tôi thấy cô ấy rất đẹp, ngọt ngào và mái tóc dài, đen” - Anh kể.

Gonc,alo nói rằng, cả hai gặp khó khăn về ngôn ngữ, Thu nói tiếng Anh không được tốt và có lẽ giống như anh bây giờ. Gonc,alo chỉ nói được vài câu thông thường bằng tiếng Việt.

Gonc, alo nói: “Cô ấy ban đầu không thích tôi vì tôi nói quá nhiều, còn cô ấy không hiểu. Tuy nhiên cô ấy thích các món ăn tại nhà hàng do tôi nấu”. Vì thế, Thu thường ghé thăm nhà hàng của anh nhiều hơn. Sau đó, cả hai là bạn bè và yêu nhau sau vài tháng.

Chị Thu quyết định về Đà Nẵng là vì Gonc,alo, anh đã đến Đà Nẵng để lập nghiệp và chị cũng trở về để cùng anh đi tiếp. Cả hai đã thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Duy Hiệu, Đà Nẵng. Chị cười: “Sau này khi con trai tôi học xong sẽ về giúp cha công việc ở trường lướt sóng. Gia đình chúng tôi cũng họp về một mối”.

Điều đặc biệt trong câu chuyện tình xứ Bồ Đào Nha chính là sự cảm thông, tin yêu lẫn nhau. Nguyễn Nguyệt Thu, một nghệ sĩ viola quốc tế, tan vỡ trong hôn nhân đầu và có một cậu con trai tự kỷ. Nhưng với Gonc,alo, đó không phải vấn đề. Chị Thu kể, Gonc,alo đã dùng tình yêu để dạy dỗ con trai chị, “Anh ấy có một người em họ bị bệnh đao và anh ấy hiểu những khó khăn mà tôi đã trải qua. Tôi yêu anh ấy vì sự hiền lành, chu đáo và quan tâm”- chị chia sẻ.

Chị Thu chia sẻ, điều chị mến nhất ở anh và đất nước Bồ Đào Nha chính là con người và khí hậu. Gonc,alo không quan tâm nhiều đến những gì mà chị đã trải qua trước đó.

Gonc,alo quan tâm đến hiện tại và tình yêu của chị dành cho anh. Kết quả của mối tình ấy là cô bé nhỏ nhắn Mariana, nay 9 tuổi (tên Việt Nam là Nguyễn Linh) ra đời.

Một thời gian sau, cả hai chuyển đến làm việc tại Brazil và Gonc,alo sẵn sàng bán nhà hàng của mình để cùng cô gái Hà Nội “ngao du” thế giới. Chữ tình, chữ hiếu nặng lòng đất Việt, chị Thu muốn cùng anh trở lại Việt Nam. “Cha của Thu đã 86 tuổi rồi, do vậy, chúng tôi cần chăm sóc và ở bên ông nhiều hơn. Chúng tôi trở lại Việt Nam để làm điều gì đó”- anh nói.

Riêng cô bé Mariana đã qua Việt Nam được 6 tháng, kỳ nghỉ hè này Mariana vào Đà Nẵng để thăm cha. Mariana nói: “Con không nói được tiếng Việt, nhưng có thể nghe và hiểu. Con vào thăm ba và lướt sóng trên biển”.

Từ Bồ Đào Nha đến Việt Nam theo con sóng ảnh 2

Gonc,alo bên cạnh những học viên của mình tập luyện trên bờ biển. Ảnh: Nguyễn Trang.

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Công việc của chị Nguyệt Thu tại Hà Nội hiện nay là giúp đỡ cho những đứa trẻ tự kỷ để chúng có thể làm quen với môi trường, học cách nói chuyện với mọi người. Hồi tháng 5/2015, chị Nguyệt Thu được vinh dự bầu là đại sứ đầu tiên chương trình “Bình minh cho em” dành cho trẻ tự kỷ. Ngoài ra, chị cũng có nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em như các chương trình biểu diễn đường phố quyên góp cho trẻ em tự kỷ tại Hà Nội.

Trong suốt hành trình hơn 20 năm ở nước ngoài với vị trí bè trưởng biểu diễn tại nhiều nước như Nga, Tây Ban Nha, Hà Lan,..., chị tiếp xúc với nhiều những chương trình dành cho trẻ em tự kỷ, bởi chị hiểu rằng, con trai duy nhất đầu lòng, 14 tuổi của chị cũng tự kỷ và cậu bé đang ở nước ngoài, “Thật ra, nếu hỏi tôi về kỷ niệm hay những khó khăn đối với trẻ tự kỷ thì con trai tôi trong 14 năm qua đã cùng tôi trải qua những khó khăn đó để rồi tôi quyết định đồng hành cùng trẻ tự kỷ” - chị chia sẻ.

Chị Thu nói: “Thời gian sắp đến, tôi sẽ lập trường dạy cho trẻ tự kỷ tại Đà Nẵng. Đây là công việc có ý nghĩa mà tôi tin rằng tôi và

Gonc,alo điều mong muốn được làm gì giúp cho những đứa trẻ”.

Tại Đà Nẵng không có nhiều trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ. Chị có ý định này hơn chục năm nay. “Tôi không muốn có thêm những đứa trẻ như con trai tôi và tôi muốn giúp những đứa trẻ như vậy để chúng có cuộc sống tốt hơn” - chị nói. Hiện nay, chị đang dùng phương pháp “lắng nghe âm nhạc”, khi chị đánh đàn, những đứa trẻ tự kỷ sẽ tiếp thu bản năng âm nhạc. Ngoài ra, chị sẽ tiếp tục với những chương trình bán CD âm nhạc gây quỹ cho trẻ tự kỷ.

Điều mà Gonc,alo và chị mong muốn chính là giúp trẻ tự kỷ có bản năng sống, ứng phó trước nhiều tình huống. Trường dạy lướt ván sẽ giúp những đứa trẻ tự kỷ.

“Chồng tôi có thể cùng những đứa trẻ học lướt ván. Đây là cách để chúng hiểu biết về thiên nhiên. Ở Việt Nam, người ta không dạy nhiều về thiên nhiên như tại sao có sóng, mùa trăng nào thì thủy triều dâng,... Những kỹ năng đối phó với nguy hiểm đều không được chú trọng. Tôi và chồng tôi mong rằng những đứa trẻ tự kỷ sẽ làm được như bất cứ một đứa trẻ bình thường nào khác”- chị nói.

Vừa qua, chị cũng đưa những đứa trẻ tự kỷ đến với trường học của anh Gonc,alo và những đứa trẻ rất thích khi tiếp xúc với nước. Một điều nữa khi chị quyết định về Đà Nẵng là vì Gonc,alo, anh đã đến Đà Nẵng để lập nghiệp và chị cũng trở về để cùng anh đi tiếp. Cả hai đã thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Duy Hiệu, Đà Nẵng. Chị cười: “Sau này khi con trai tôi học xong sẽ về giúp cha công việc ở trường lướt sóng. Gia đình chúng tôi cũng họp về một mối”.

MỚI - NÓNG