Sáng 22/10, báo Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ 5 (năm 2015) cho 17 tác giả, tác phẩm đoạt giải.
Năm nay, cuộc thi tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia của độc giả khắp mọi miền đất nước. Những tác phẩm gửi đến dự thi không chỉ được thể hiện bằng bài viết mà còn bằng thơ, kịch. Hình thức trình bày công phu, đẹp mắt.
Điều đặc biệt là: cuộc thi càng kéo dài nhiều năm thì các vấn đề gia đình càng được các tác giả phát hiện phong phú. Năm nay, đã có nhiều tác phẩm đề cập đến sự tác động của tệ nạn xã hội trong thời kinh tế thị trường đến đời sống gia đình như: nỗi niềm trăn trở khi những giá trị truyền thống gia đình đang bị mai một; những vấn đề trong các tổ ấm đơn thân, gia đình đồng tính…
51 bài dự thi lọt vào vòng chung khảo năm nay là những tác phẩm đề cập đến tất cả các vấn đề đang diễn ra trong gia đình thời hiện đại.
Trao giải cho các tác giả đoạt giải chuyên đề (6 giải).
Trao giải cho các tác giả đoạt giải khuyến khích (5 giải).
Tập thể các tác giả đoạt giải nhất, nhì, ba.
Đó là câu chuyện về lòng yêu thương, sự vị tha của mẹ chồng đối với con dâu trước những lỗi lầm, nông nổi trong “Bà chính là mẹ tôi” (giải Nhì) của tác giả Nguyễn Minh Nguyệt.
Đó là câu chuyện những người cha, người mẹ sắp xếp cuộc sống tuổi xế chiều thế nào cho ý nghĩa, vừa thuận cho mình lại tạo điều kiện cho con trong “Thông gia như ruột thịt” của nhà văn Trần Thị Trường.
Được biết, để tránh việc nể nang trong khi chấm giải, nhà văn Trần Thị Trường đã gửi tác phẩm dự thi bằng một bút danh khác. Kết quả, nữ nhà văn đã đạt giải nhất của cuộc thi với câu chuyện về chính gia đình mình, về chính mối quan hệ giữa mình và bà thông gia trong “Thông gia như ruột thịt”.
“Sau khi ông thông gia mất đi, tôi đã nói các con đón bà thông gia về ở cùng. Khi mới ở chung, chỉ riêng việc bà thông gia ăn nhạt hoặc hay đóng kín cửa là tôi đã cảm thấy là một vấn đề quá khó. Thế nhưng, nghĩ lại thì mình đi chùa thường xin vị tha, xin sống tốt, xin có đức, xin có phúc. Và để có phúc, có đức thì mình phải bắt đầu từ ngay những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó tôi cố gắng quên bản thân mình đi để sống với bà thông gia như chị em ruột.”, nhà văn Trần Thị Trường trải lòng.
Một vấn đề nổi bật được rất nhiều tác phẩm dự thi năm nay đề cập đến là sự chi phối của đời sống công nghệ đến hạnh phúc gia đình.
Ở đó, có những người mẹ chồng âm thầm “chơi phây” (Facebook – PV) để hiểu rõ hơn về con dâu của mình (tác phẩm “Lên “phây” học làm mẹ chồng tốt”, đoạt giải Ba của tác giả Dương Ngọc Vân).
Chia sẻ về câu chuyện thật đằng sau tác phẩm “Lên “phây” học làm mẹ chồng tốt”, tác giả Dương Ngọc Vân nói: “Tôi thấy “phây” có tác dụng thực sự bởi nó là nơi để người ta trải lòng mình. Lúc đầu tôi không định chơi “phây”, nhưng vì mình dành tình cảm cho hai cô con dâu, muốn được hiểu các con nên cũng đã quyết định lập “phây” để làm bạn với các con. Hai cô con dâu của tôi khá e ngại, nhưng tôi đóng vai trò là người chủ động. Bây giờ các con của tôi rất thích có mẹ trên “phây”, vì nhờ đó mà các con hiểu được mẹ thích gì, tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của mẹ.”
Thế nhưng, bên cạnh những tác động tích cực do các thiết bị công nghệ tân tiến đem lại thì các yếu tố tiêu cực cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình. Đó là khi smartphone chen chân vào mỗi tổ ấm, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng, vô tình lấy đi khoảng thời gian ít ỏi họ dành cho nhau, kéo vợ chồng xa nhau dần trong “Khi smartphone là người thứ ba” (đoạt giải chuyên đề) của tác giả Lê Minh Hải.
Điều đáng nói là, trong bức tranh về gia đình thời nay mà cuộc thi vẽ nên, đã có những bài viết cho thấy những hướng đi sáng, những mẫu hình gia đình hiện đại mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống.
Ngoài những giải nhất, nhì, ba, khuyến khích, BTC cũng đã trao các giải chuyên đề: bài viết xúc động về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, bài viết hay về quan hệ dòng tộc, bài viết hay về gia đình trẻ thời công nghệ, bài viết hay về tình mẫu tử trong thời đại mới…
Thông điệp chung mà các tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm dự thi là: hãy làm một điều gì đó để giữ lấy gia đình, tổ ấm, chốn đi về hạnh phúc cho mỗi người. Và để chung sống, để nhập cuộc, để giữ hạnh phúc cho một gia đình thì người ta phải học, học để sống bao dung, rộng lượng, học để hiểu được những người mà ta yêu thương…