Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.
Truyền thống sáng tạo, đổi mới
Nhiệm kỳ 5 năm đã kết thúc và một nhiệm kỳ mới bắt đầu với nhiều cơ hội cùng những thách thức. Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh có đề cập đến rất nhiều con số ấn tượng, nhưng theo đồng chí, những điểm gì nổi bật nhất mà Vĩnh Phúc đã làm được trong nhiệm kỳ qua, thưa đồng chí?
Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là sự kế thừa, là nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc trong cả tiến trình quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, phồn vinh. Có thể nói, điểm nổi bật nhất mà Vĩnh Phúc đạt được là phát triển kinh tế. Ước 5 năm 2011-2015 tăng 6,36%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 62,12%; dịch vụ chiếm 28,11% và nông, lâm nghiệp, thủy sản còn 9,77%. Thu ngân sách nhà nước bình quân tăng 7,6%/năm, trong đó thu nội địa tăng 12,1%/năm, từ năm 2014 thu ngân sách của tỉnh vượt qua mốc 20.000 tỷ đồng. Tổng sản phẩm địa phương bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 67,1 triệu đồng, gấp 1,56 lần so với đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, trong 5 năm, Vĩnh Phúc thu hút được 268 dự án, trong đó có 166 dự án DDI và 102 dự án FDI. Phát triển doanh nghiệp được chú trọng, trong nhiệm kỳ có gần 3.000 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên trên 6.600 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 41.000 tỷ đồng…
Theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương, việc hình thành các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc khá tốt so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh những năm qua đã tiếp tục phát huy được những giá trị truyền thống, giữ gìn và phát triển nền văn hiến của quê hương, đất nước. Giáo dục và đào tạo phát triển ổn định, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm và thực hiện tốt. Năm 2013, Vĩnh Phúc là tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 vào năm 2014. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho 21,35 nghìn lao động. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ bác sỹ đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng liên tục giảm, đến nay còn 10%. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, phát thanh, truyền hình ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được triển khai sâu rộng, kết quả đã có 85% hộ gia đình và 71% làng, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo được thực hiện tốt, ước năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,5%. Các chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình có công, gia đình khó khăn được thực hiện kịp thời, đúng quy định. 5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng được trên 6.000 nhà đại đoàn kết, góp phần quan trọng trong thành tích chung về công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.
Một thành công nổi bật nữa của Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ chính là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc tăng cường giáo dục nhận thức, Vĩnh Phúc luôn xác định đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành nông nghiệp mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 2 huyện, với 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,3% số xã toàn tỉnh.
Vậy còn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, trong nhiệm kỳ qua Vĩnh Phúc đã thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
Những thành công và kết quả mà Vĩnh Phúc đạt được như vậy, phần nào đã thể hiện sự cố gắng trong công tác thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Xác định con người là nhân tố trung tâm của tất cả các hoạt động, nên Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng tới công tác cán bộ. Ngoài việc ban hành các văn bản về công tác tổ chức cán bộ, đào tạo cán bộ cấp chiến lược, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, cơ sở tổ chức đảng đã chỉ ra được những tồn tại, yếu kém và hướng khắc phục. Kết quả bước đầu đạt được là rất quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ nét trên cả 3 nội dung: chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và xác định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo thành việc làm thường xuyên của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, làm chuyển biến rõ rệt về tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, đoàn thể, xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực ngày càng được tăng cường và nâng cao. Chỉ riêng nói đến Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ vị trí 43/63 tỉnh, thành, được xếp lên vị trí thứ 6/63 vào năm 2014, đủ thấy được việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở Vĩnh Phúc đã được cải thiện mạnh mẽ.
Khai thác tốt lợi thế để đẩy mạnh dịch vụ, du lịch
Vĩnh Phúc luôn là một trong mười tỉnh thành có nguồn thu ngân sách lớn nhất cả nước và luôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên thời gian tới khi mở cửa thị trường, hội nhập AFTA, đặc biệt năm 2018 thuế suất về 0% sẽ là một thách thức lớn với thị trường công nghiệp ô tô - mặt hàng chủ lực đóng góp cho ngân sách của Vĩnh Phúc hiện nay. Vậy trong nhiệm kỳ tới, Vĩnh Phúc sẽ triển khai các giải pháp đột phá gì để vừa phát huy những thế mạnh hiện có, vừa khai thác hiệu quả những tiềm năng của tỉnh, thưa đồng chí?
Xác định và nhận thức rất rõ điều đó, song Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Để hiện thực hóa điều này, tỉnh có chủ trương tăng cường nội lực, phát triển đa dạng các sản phẩm công nghiệp và đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch.
Xác định con người là nhân tố trung tâm của tất cả các hoạt động, nên Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng tới công tác cán bộ. Ngoài việc ban hành các văn bản về công tác tổ chức cán bộ, đào tạo cán bộ cấp chiến lược, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, cơ sở tổ chức đảng đã chỉ ra được những tồn tại, yếu kém và hướng khắc phục.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan
Ngay trong lĩnh vực công nghiệp, không chỉ riêng Honda và Toyota, tỉnh cũng bắt đầu hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt mang tính đồng bộ và hiện đại. Gần đây nhất, Vĩnh Phúc đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sumitomo để xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long 3 tại huyện Bình Xuyên. Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng đang có những chính sách nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác như lắp ráp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, từng bước phát triển các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Ngoài những thế mạnh sẵn có của tỉnh, Vĩnh Phúc còn có những chính sách nào khác để thu hút các doanh nghiệp trong ngoài nước về với tỉnh, thưa đồng chí?
Vĩnh Phúc là địa phương có vị trí khá thuận lợi, là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua… đó là những điều kiện rất thuận lợi giúp Vĩnh Phúc có thể khai thác, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Chúng tôi luôn chủ động “trải thảm đỏ” đón chào các doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Phúc, với phương châm: “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Tỉnh luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Tất cả các chính sách về thuế, hải quan, các chính sách khác như về nhà ở, GPMB, tạo quỹ đất để doanh nghiệp tiếp cận và có điều kiện phát triển hơn.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thời gian qua Vĩnh Phúc có chú trọng phát triển để trở thành một trong những mũi nhọn của tỉnh không, thưa đồng chí?
Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Vĩnh Phúc có rất nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái như khu Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… Mặc dù vậy, trong những năm qua, việc khai thác phát triển dịch vụ, du lịch vẫn còn có những hạn chế. Thời gian tới đây, Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm khai thác tốt hơn lợi thế về thiên nhiên, môi trường sinh thái, hướng tới đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm về du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng của cả nước, mang tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh việc phát huy, khai thác nội lực, chúng tôi sẽ có những chính sách cụ thể nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh, làm sao để Vĩnh Phúc thực sự là điểm đến tin cậy và đáng sống.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!