Ngày 2/8, HĐND TP Hà Nội tiếp tục chất vấn các thành viên UBND TP về các vấn đề "nóng" thuộc các nhóm vấn đề PCCC, quản lý đô thị, an sinh xã hội được nhiều cử tri quan tâm.
Theo ĐB Nguyễn Hoài Nam sau phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XIV vào tháng 12/2015, số lượng đợt kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm PCCC là trên 16.000 vụ, tăng 14% so với cùng kỳ, xử lý và đình chỉ 16 cơ sở vi phạm, tăng gấp đôi. Qua kiểm tra xử lý có thêm 170 chủ đầu tư vi phạm trong đợt kết luận trước đã chủ động khắc phục và nghiệm thu PCCC.
Tuy nhiên, theo ĐB Nam tháng 7 vừa qua, HĐND TP đi giám sát công tác PCCC tại các khu tái định cư tại Đền Lừ và Mễ Trì, vẫn phát hiện nhiều vấn đề. “Những tồn tại này đã được nêu trong văn bản nhưng rất nhiều nội dung không đạt yêu cầu như bơm chữa cháy có nhưng hỏng, không có hệ thống báo cháy, vòi chữa cháy khi thử chạy áp lực thì chưa được một giây đã vỡ toàn bộ...”, ông Nam nói.
Đặc biệt, theo ĐB Nam những trang bị thiết yếu phải có nhưng thực tế lại không được đáp ứng. “Các đồng chí mà nhìn thấy clip chúng tôi quay lại thì sẽ thực sự sốc, không có tường cách ly trong hầm để xe giữa máy phát điện và khu vực để xe, không có thang cứu hộ, cứu nạn... Những kiến nghị này chúng tôi nêu đầy đủ nhưng cơ quan có trách nhiệm đã không thực hiện. Trong báo cáo kết quả thực hiện kết luận giám sát, hiện mới có PCCC gửi báo cáo và trách nhiệm chỉ đạo liên quan tới công tác PCCC tại khu tái định cư không thể chỉ có mỗi nhiệm vụ giao cho cảnh sát PCCC.”, ĐB Nguyễn Hoài Nam bức xúc nói.
Còn ĐB Nguyễn Bích Thủy chất vấn trách nhiệm xử lý các vi phạm sau kiểm tra của lực lượng PCCC thực hiện như thế nào? Bởi trong thời gian qua cảnh sát PCCC đã khắc phục những tồn tại, số công trình đã hoàn thành đạt 91/196 hồ sơ. Tuy nhiên, cách đây 6 - 7 ngày TP đã để xảy ra vụ cháy. Đề nghị cảnh sát PCCC cho biết, trách nhiệm quản lý của mình?
Trả lời câu hỏi của các ĐB, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, những tồn tại ở các khu tái định cư Đền Lừ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… là do lịch sử để lại, có những vấn đề là do điều kiện hạn hẹp, trước đây đã đầu tư giờ hư hỏng, không còn hoạt động được nữa.
Liên quan đến trách nhiệm để tồn tại, đi vào hoạt động những toà nhà mà không có giấy chứng nhận nghiệm thu về PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, trước hết, bản thân người dân, chủ doanh nghiệp thiếu ý thức trách nhiệm và liên quan đến kinh phí đầu tư. Ngoài ra, quy định pháp luật hiện nay còn kẽ hở khiến các cơ quan, ngành quản lý cho người dân vào ở các toà nhà đã được nghiệm thu mà chưa có giấy nghiệm thu về PCCC. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm quản lý.
“Bảo chúng tôi làm hết trách nhiệm chưa thì PCCC chưa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi có phạt nhưng mức phạt ấy để thúc đẩy người ta chấp hành thì chưa đi đến kết luận cuối cùng, chưa thực hiện cưỡng chế để họ phải chấp hành an toàn PCCC”, ông Định nói.
Trước các ý kiến chất vấn của ĐB về PCCC, Chủ tịch HĐNT TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu UBND thành phố và các cấp cần phải tiếp tục giám sát và đôn đốc công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn, đồng thời có những giải pháp quyết liệt hơn.
Theo bà Ngọc, việc thực hiện các kết luận giám sát có thực hiện nhưng kết quả không cao, không phân công, phân nhiệm cụ thể. Vì thế HĐND yêu cầu UBND cần xem xét trách nhiệm, các cấp lãnh đạo phải quan tâm chỉ đạo.
Thứ hai, bà Ngọc yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành tăng cường kiểm tra và khắc phục những nơi đã thanh tra và phát hiện sai phạm trước đó, xem xét và xử lý kiên quyết những chủ đầu tư vi phạm, chưa được cấp phép nhưng đã cho người dân vào ở. Thứ ba, công khai danh tính chủ đầu tư chưa có cấp phép của PCCC khi bàn giao công trình và người dân cũng phải có ý kiến. Đặc biệt, Chủ tịch HĐNT TP Hà Nội giao Ban pháp chế tiếp tục giám sát chặt chẽ. Vì đây là vấn đề về an sinh, vấn đề về đời sống của nhân dân. Nếu còn để vi phạm mà có thể khắc phục được thì UBND cần xem xét trách nhiệm.