Truy tìm vàng tặc

Một cai vàng ở Trung Mang (phải) và cảnh bới tung rừng núi tìm vàng. Ảnh: nam cường
Một cai vàng ở Trung Mang (phải) và cảnh bới tung rừng núi tìm vàng. Ảnh: nam cường
TP - Những khoảnh rừng bị cày xới tan hoang, dòng sông Vàng đầu mùa kiệt đoạn chảy qua Trung Mang (các xã Ba, Tư huyện Đông Giang – Quảng Nam) giờ đã thành con sông chết, một vài rãnh nước đục ngầu do “vàng tặc” hoành hành khắp tất cả mọi nẻo…

Thực tế vào rừng đã gian nan vất vả, nhưng tiếp cận, lấy thông tin từ phía chính quyền địa phương còn khó hơn bởi kiểu trả lời nước đôi, thái độ lạnh lùng, thờ ơ của lãnh đạo. Dường như, những mỹ từ như “ra quân, truy quét” ở đây chỉ là lấy lệ…

Băm nát rừng

Trên thực tế, Trung Mang từ lâu đã là điểm nóng của nạn khai thác khoáng sản trái phép. Sau Phước Sơn và Nam Giang, đây là “địa chỉ” luôn làm đau đầu lãnh đạo huyện Đông Giang và tỉnh Quảng Nam.

Truy tìm vàng tặc ảnh 1

Bới tung rừng núi tìm vàng. ảnh: Nam Cường

Còn nhớ cách đây 5 năm, khi trả lời báo Tiền Phong, ông Đinh Thái Long lúc đó còn là Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, bày tỏ: Ra quân thì phu vàng chạy lên rừng sâu, rút quân về thì họ lại tràn xuống. Quá khó! Sau 5 năm, lời ông Long chỉ còn đúng một nửa: Phu vàng giờ đã chia quân cát cứ. “Quân chủ lực” chiếm vùng sâu, số còn lại, một nửa là dân tọ mọ (từ dùng để chỉ người làm thời vụ), nửa kia “chủ lực” đua nhau tàn phá dân làng.

Chỉ có một con đường độc đạo vào rừng sâu ngay từ đầu thôn Nà Ho (xã Tư) được mở bởi những chủ vườn tràm đến mùa khai thác. Chiếc cầu qua sông Vàng bị lũ đánh sập, người dân buộc phải qua lại trên cầu treo từ lâu không sử dụng. 

Con đường xuyên vào rừng dày đặc vỏ thân cây keo tràm. Đường men theo từng con suối nhỏ, giờ thành từng bãi hoang tàn bởi sức công phá khủng khiếp, dày đặc của những đội quân hàng trăm phu vàng bình địa mấy năm nay. Hàng trăm hố sâu còn mới những dấu đào xúc, rải rác trên từng con suối là những thùng phuy, ống nước vứt lại ngổn ngang.

Từng chiếc lán bỏ hoang, cái bị xiêu vẹo tả tơi, cái vừa mới, vẫn còn hơi người dẫn chúng tôi thẳng vào rừng sâu. Mới nhất, một lán vẫn còn chỏng chơ bát đũa, bài tú lơ khơ, quần áo rách. Vừa mới rút quân. Trưa nắng đổ lửa, xen lẫn tiếng rừng âm u là tiếng máy nổ phành phạch mỗi lúc một lớn.

Đi từ sáng sớm đến quá trưa mới vào được chiếc lán đầu tiên còn người ở. Người đàn ông cởi trần, đen trũi ngồi hút thuốc, cầm rựa chỉ vào: tìm phu vàng, đi vô nữa! Bọn tui dân làm keo.

Truy tìm vàng tặc ảnh 2

Một cai vàng ở Trung Mang

Lán một đội quân “vàng tặc” nằm cuối Nà Ho, nhìn sang thấy đỉnh Bà Nà của Đà Nẵng chìm khuất trong mây. Giờ nghỉ trưa, máy tắt. Đội quân 8 người, kẻ hút thuốc người chuẩn bị nấu cơm. Người đàn ông nói giọng Bắc, tỏ vẻ là “đại ca” bật dậy khi tôi bước vào: Có việc gì? Có vẻ, anh ta không thể ngờ được đã vào đến tận đây, xa xôi cách trở mà vẫn có “khách” tìm đến.

Những đôi mắt bớt gườm, người giọng Bắc tuôn một tràng: Thế này mà ăn thua gì. Giờ cao điểm còn đưa máy xúc tiến thẳng vào rừng. Đợt này quân chưa đủ nên làm cầm chừng, chờ tháng sau lập bãi mới. Bãi vàng của đội này rộng chừng 2 hécta, 2 máy nổ chạy ngày đêm không ngừng nghỉ.

Quân 8 người thì đến 7 là dân Bắc, chỉ một “thổ địa” người Cơ Tu. “Đại ca” lý giải: Đội nào chẳng thế, phải có một vài người địa phương, thông thạo núi rừng, còn cả việc thực phẩm, xăng dầu nữa. Hỏi làm được không, “đại ca” lắc đầu: trước còn đỡ, có ngày vài chỉ, giờ mấy phân cũng khó. Như bãi mới đây, làm 6 ngày rồi mà chưa thấy gì, chỉ lăn tăn vài mủn vàng cám. 

Anh em cố động viên nhau, nốt 4 ngày nữa cho chẵn chục, không khá hơn thì rút. “Sao bảo quân ngoài Bắc sắp vào?”. “Vào lập bãi mới chứ. Đi nữa. Bãi này trước cũng có đội làm rồi, tụi tui chỉ mót lại trong thời gian chờ quân thôi. “Đại ca” nói, đêm về, nhìn chếch sang Bà Nà, thấy điện sáng lung linh, từ đây sang tới chân núi mù sương kia chẳng còn bao xa. 

Không ngần ngại khi chúng tôi giới thiệu là nhà báo, mấy phu vàng hồn nhiên (hoặc đã không còn biết sợ?) kể tuồn tuột: Phải đến tháng 4 mới bắt đầu mùa cao điểm. Hiện chỉ còn dao động 6 đội quân chia nhau án ngữ các bãi trong rừng, quân số trên dưới 100 người. Đó là những đội làm ăn lớn. Cứ một bãi, đội này rút ngay lập tức có đội khác nhỏ hơn, thế chân. Mức độ cày xới vì thế càng tan hoang gấp bội.

Xới tung thôn bản

Chiều, chúng tôi quay trở lại đầu thôn Nà Ho. Đã qua giờ nghỉ trưa, tiếng máy nổ ầm ào một góc thôn. Đội quân Quảng Bình ngang nhiên nổ máy khai thác ở bãi sát đường, chỉ cách trụ sở xã Tư chưa đầy 2km. Có vẻ như đây đã là chuyện thường ngày ở huyện.

Truy tìm vàng tặc ảnh 3

Làng xóm tan hoang

Cũng là đội quận 8 người, 2 trực máy nổ lọc đất quặng, 5 lọt thỏm dưới hố sâu. Hì hục đào xúc. “Đại ca” đội này còn rất trẻ, nhảy phắt khỏi miệng hố, cười giả lả: Tọ mọ thôi cán bộ ơi. Hố sâu hoắm, cách nhà người dân chưa đầy 20m. Nước máy xay bùn đặc quánh, đục ngầu chảy dòng xuống con suối bên làng. Một hố sâu khác, còn nguyên vết máy xúc ăn sâu vào con đường độc đạo vào thôn Điềm.

Tôi còn nhớ như in, cách đây mấy năm, chỗ này còn là ruộng lúa tốt bời bời. Lập - tên “đại ca” đội Quảng Bình kể, toàn bộ anh em là người Tuyên Hóa (Quảng Bình), tất cả tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã nhiều năm “chinh chiến” vàng, trầm hương khắp các dãy rừng miền Trung.

Mảnh đất khoảng 500m2 mà đội quân của Lập từ Quảng Bình vào làm đã được mua từ giữa năm 2013 với giá 25 triệu. Không giấy tờ, mua bán sang tay. 

Truy tìm vàng tặc ảnh 4

Một lán trại vừa mới được dọn đi

“Trước một chủ vàng người Nam Định mua lại của người dân địa phương với giá 30 triệu. Gần làng, bị truy quét, đập máy mấy lần nên bỏ, bán lại cho em” - Lập kể. Bị lực lượng chức năng đuổi mấy lần, Lập nghiệm ra muốn làm ăn cần phải hiểu luật.

Bỏ 25 triệu mua sang tay miếng đất chỉ để được quyền khai thác, xong xuôi bỏ lại cho người dân. Từ cuối năm 2013 đến nay, số vàng đãi được không nhiều, chi phí đã gấp 3 lần tiền vốn bỏ ra. “Đầu năm vừa rồi lại bị truy quét, đập máy. Nhưng trót rồi, phải làm tới thôi”.

Ông Đinh Văn Bảo - Phó Bí thư xã Tư, trước đây là Chủ tịch xã, lắc đầu khi chúng tôi hỏi tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn: “Tui chuyển qua công tác Đảng rồi, không còn theo dõi nữa”. 

Chuyện dân bán đất, “vàng tặc” lộng quyền ở Trung Mang cao điểm từ đời ông Chủ tịch xã Đinh Văn Phải (nay nghỉ hưu) đến thời ông Bảo làm chủ tịch. Trong lúc từ chối trả lời chúng tôi tại nhà riêng, tiếng máy xay vàng, xới đất vẫn ầm ầm chỉ cách nhà ông chưa đầy 500m. “Có gì hỏi chủ tịch xã” - ông Bảo nói.

Tìm câu trả lời vấn đề khai khoáng với ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch xã Tư, vừa nghe máy, ông Bình nói ngay: Dẹp hết rồi, làm gì còn nữa.

“Chúng tôi ra quân truy quét thường xuyên, không còn chuyện khai thác trái phép đâu. Mà thôi để tôi kiểm tra lại rồi trả lời anh sau”, ông Bình cúp máy. Trong rừng sâu, ngay giữa làng, tiếng máy xay vàng vẫn ầm ào ngày đêm...

Mấy năm trước, đội quân của Lập làm phía bên kia sông Vàng nên nắm tường tận những lần ra quân. “Sợ mấy ông huyện, tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra thôi, còn địa phương đây họ... thông cảm” - Lập giãi bày.

Đinh Văn Kíp - một người dân thôn Nà Ho cho biết, sau mấy lần bán đất sản xuất, giờ đây anh chỉ còn 2 hécta keo tràm tận trong rừng nhưng cũng không yên vì suốt ngày bị gạ bán. “Đến mùa thu hoạch, chắc cũng bán luôn”.

Trong rừng sâu khoảng 6 đội quân, còn phía ngoài các làng, 3 tổ máy khai thác cũng ngày đêm xới tung từng mảnh ruộng trước đây là đất sản xuất.

MỚI - NÓNG