Tan hoang vì đào vàng

Tan hoang vì đào vàng
TP - Nạn khai thác vàng trái phép ở huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum khiến đồng ruộng hai bên suối bị băm nát, đường sạt lở, xăng dầu loang mặt nước, người dân đau đầu, ù tai…

> Bất lực với vàng tặc

Tàu cuốc khai thác vàng của Cty Kim Sơn Thủy
Tàu cuốc khai thác vàng của Cty Kim Sơn Thủy.

Không đơn thương độc mã hay đóng vai cùng hội, cùng thuyền với vàng tặc, nhóm phóng viên chúng tôi đi thẳng vào vùng khai thác vàng ở suối Đăk Bru, Đăk Pek giữa ban ngày.

Ngay từ đầu làng Đăk Sal Peng, cách không xa đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đã nghe tiếng máy bơm nước của vàng tặc nổ vang. Chúng tôi chụp hình, quay camera; cánh vàng tặc ở đây vẫn thản nhiên khai thác, coi như không có điều gì xảy ra.

Lòng suối Đăk Bru, Đăk Pek bị vàng tặc đặt máy, đào đãi dày đặc. Đồng ruộng hai bên suối bị băm nát, phù sa màu mỡ trôi đi, còn trơ lại sỏi đá. Anh A Ly Cường, thanh niên làng Đăk Đoát làm vàng ở đây, nói: “Nhóm em có 4 thằng, mua cái máy bơm hết 45 triệu đồng.

Nếu trúng mánh thì mỗi ngày em kiếm được hơn chỉ vàng. Nếu không nhanh tay vơ của thì họ (chỉ tàu cuốc lớn của Cty TNHH Kim Sơn Thủy) cũng sẽ đào, đãi hết”.

Ong A Tiễn, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pek cho biết, việc khai thác vàng ở suối Đăk Pek có từ lâu. Tuy nhiên, trước đây người dân đào đãi vàng thủ công, ít gây tác hại về môi trường. Từ khi UBND tỉnh cho Cty Kim Sơn Thủy đưa 5 tàu cuốc vào khai thác, lòng suối và đồng ruộng hai bên bị băm nát.

Do Cty này vi phạm các quy định trong khai thác, UBND tỉnh đã quyết định cưỡng chế, nhưng việc khai thác vàng trái phép vẫn tái diễn. Người dân so bì, bảo khi nào tàu cuốc của Cty rời xã Đăk Pek thì họ mới chịu giải tán, ông Tiễn nói.

Ông A Gin, người dân thôn Đăk Đoát nói: “Công an huyện lên truy quét thì tàu cuốc nghỉ, công an về nó lại làm. Ban đêm, nó vẫn cứ chạy máy ầm ĩ khiến chúng tôi không ngủ được.

Xăng dầu loang ra mặt nước, ruộng đất. Dọc theo suối trước nhà tôi vốn là bãi ngô xanh tốt, nay chỉ còn trơ trơ đám sỏi. Không biết rồi đây khi quặng vàng bị móc hết, người dân sẽ lấy đâu ra ruộng để cấy lúa, trỉa ngô?”.

Con đường giao thông láng nhựa chạy dọc theo thôn Đăk Đoát bị vàng tặc đào khoét, gây sạt lở nền đường. Các cháu ở Trường Mầm non thôn Đăk Đoát cũng bị hành hạ bởi tiếng máy nổ, tiếng người quát tháo ầm ĩ suốt ngày đêm. Một cô giáo than: “Các bác nghe đấy, ồn tới mức các cháu không thể nào tập trung mà học”.

Trong 3 đơn vị được cấp phép, Cty Kim Sơn Thủy đã khai thác không đúng quy trình, không phù hợp đề án cải tạo phục hồi môi trường, gây tác hại đến môi trường. Vì vậy, ngày 15-2, UBND tỉnh xử phạt Cty 88 triệu đồng và tước quyền sử dụng không thời hạn giấy phép khai thác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Xuân Lộc cho biết: Việc khai thác trái phép, sai quy trình trong đào đãi vàng sa khoáng trên địa bàn đang khiến môi trường nước ô nhiễm nặng... T

rước tình hình trên, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, ông Lộc đề nghị tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác vàng không theo đề án đã xây dựng, không cấp phép khai thác mới cho các đơn vị khác; đồng thời nghiêm khắc xử lý vi phạm của Cty Kim Sơn Thủy.

Theo UBND huyện Đăk Glei, 6 xã có vàng sa khoáng là Đăk Long, Đăk Rong, Đăk Nhoong, Đăk Blô, Đăk Môn và Đăk Pek. UBND tỉnh cấp phép cho Cty TNHH Kim Sơn Thủy khai thác vàng tại suối Đăk Bru, Đăk Pek với diện tích 4,83 ha.

Cty Cổ phần Thép Đông Á được khai thác 187 ha tại suối Đăk Blô (xã Đăk Blô), 153 ha ở suối Đăk Rơ Long (xã Đăk Môn), đang lập thủ tục thuê thêm đất ở sông Pô Kô (xã Đăk Roong) và suối Đăk Long.

Cty Cổ phần Tấn Phát được cấp phép thăm dò vàng ở xã Đăk Blô với diện tích 198 ha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG