Truy sát linh trưởng: Hành trình tìm lại bản năng gốc

Truy sát linh trưởng: Hành trình tìm lại bản năng gốc
TP - Sau bao lần thoát chết trong gang tấc, bao năm sống cô độc và bị suy kiệt, tật nguyền, nhiều cá thể linh trưởng có tên trong sách đỏ được giải thoát. Tuy nhiên hành trình phục hồi bản năng gốc để trở về với Mẹ thiên nhiên còn rất gian nan.

> Truy sát linh trưởng: Ăn con sách đỏ, chứng tỏ tay chơi
> Cứu hộ chà vá chân nâu quý hiếm

“Tôi là ai?”

Sau khi được giải phóng khỏi nơi giam cầm chật hẹp, những loài voọc, vượn có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Tây Nguyên và các tỉnh lân cận thường được đưa đến đảo Tiên (thuộc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã VQG Cát Tiên) để chữa bệnh và phục hồi. Đảo Tiên là một quả núi rộng hàng chục héc ta ở thượng nguồn sông Đồng Nai, cách trụ sở VQG khoảng 5- 7 phút đi xuồng.

Các nhân viên của đảo lưu ý nên đi nhẹ, nói nhỏ để tránh làm thú hoảng sợ. Từ khoảng cách gần 100m, qua ống nhòm chúng tôi nhìn thấy một con vượn đen má vàng đang tập nhún nhẩy, chuyền cành trong khu vườn bán hoang dã. Tên của cô vượn này là Đào, được cứu thoát cùng bố mẹ từ một trường học ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đào ra đời trong cảnh bị giam cầm bởi bố mẹ bị săn bắt cách đây hơn hai thập niên. Khi mới được một tuổi, Đào đã chịu cảnh bị tách khỏi mẹ, sống cô độc trong chiếc lồng nhỏ. Những lúc quá thèm khát hơi ấm tình thân, Đào kẹp đôi chân của chính mình quanh bụng như đang bám vào bố mẹ. Đến khi được giải cứu và đưa về đảo Tiên, Đào nếm trải bi kịch khác khi bố mẹ cô không còn nhận ra con đẻ của mình sau nhiều năm sống cách ly. Thậm chí, Đào bị bố mẹ rượt đuổi nên phải nhập bầy cùng những con vượn khác khoảng 6 - 7 tuổi. Đào vốn ốm yếu, bản tính hiền lành nên hay bị bắt nạt.

Chăm sóc voọc chà vá bị gãy chân do vướng bẫy
Chăm sóc voọc chà vá bị gãy chân do vướng bẫy.

Vừa đến đảo Tiên, cô vượn đen má vàng tên là Ellie nhào tới đè Đào ra cào cấu điên cuồng. “Chúng tôi phải dùng vòi nước để can thiệp vì loài này rất sợ nước. Sau đó chuyển Ellie sang lồng khác bởi vượn đen má vàng đã đánh nhau thì đánh tới chết mới thôi!” - anh Đỗ Ngọc Thắng (nhân viên của đảo) nói.

Cũng theo anh Thắng, các loài linh trưởng vốn hiền lành, không tấn công người. Tuy nhiên vì bị giam cầm một mình từ bé lâu ngày nên chúng không có khái niệm về giống loài. Đến khi được giải thoát và cho nhập bầy, chúng rất dễ bị kích động: Vì sợ bị tấn công nên chúng quay ra cắn xé các con thú khác và cào cấu khách tham quan để tự vệ. Do đó du khách không nên đến gần các lồng nuôi nhốt thú và hàng rào vườn cứu hộ.

 Nếu không được bầy đàn chấp nhận, con mới thả sẽ bị cả bầy đánh chết

TS Marina nói

Một số thú hoang được sinh ra ở nơi cha mẹ bị giam cầm, số khác bị săn bắt từ rừng khi còn rất nhỏ và nuôi nhốt quá lâu nên bị tật nguyền, mất bản năng gốc. Khi được giải cứu, Tèo (vượn đen má vàng) đã 5 tuổi nhưng trông giống như vượn con vì thiếu ăn; ngực biến dạng và lưng gù do điều kiện nuôi nhốt quá khắc nghiệt.

Suốt 9 năm bị nhốt trong chiếc lồng làm vật biểu diễn cho du khách tại Vũng Tàu và chịu đựng nhiều tiếng ồn ào, chú vượn đen má vàng Samee đã bị điếc. Rất lâu sau khi được giải cứu, Samee không thể hót và cậu vẫn bị căng thẳng thần kinh khi có người đến gần.

Chú vượn má trắng duy nhất ở đảo Tiên được đặt tên là Tàu. Khi mới đến đảo, Tàu rất còi cọc, lông thưa thớt, lởm chởm vì thiếu ăn, trong điều kiện nuôi nhốt và vệ sinh kém; chỉ chạy lòng vòng trên mặt đất chứ chưa biết leo trèo trên cây.

Mei Lee và vượn đen má vàng em là Lee Lee bị săn bắt từ thiên nhiên khi còn rất nhỏ, bị nhốt trong cái lồng nhỏ thiếu ánh sáng tại trạm xăng dầu suốt 18 năm và hàng ngày chỉ được ăn một ít thịt và sữa nên khi được giải cứu chúng không biết ăn bất kỳ loại quả nào còn Charlie bị nhốt trong lồng tại nhà trẻ ở TP Vũng Tàu suốt 20 năm nên khi đến đảo Tiên, cậu rất sợ hãi. Cậu ngồi trên sàn nhà hoặc đánh đu theo hình tròn như làm xiếc chứ không biết chuyền cành.

Kỳ công cứu hộ linh trưởng

Cơ sở cứu hộ linh trưởng nguy cấp ở đảo Tiên được hình thành vào năm 2008 với kinh phí 500.000 euro do Trung tâm cứu hộ linh trưởng Monkey Work - Ape của Vương quốc Anh và Trung tâm cứu hộ linh trưởng của Đài Loan tài trợ.

Tiến sĩ (TS) Marina (Anh quốc) - người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài vượn đen má vàng ở VQG Cát Tiên đã thuyết phục chồng đưa cả gia đình từ Anh sang sống trên đảo Tiên. 5 năm qua, bà cùng các cộng sự toàn tâm toàn ý nghiên cứu, triển khai quy trình cứu hộ vô cùng công phu vì sự sống còn của những loài thú đang trên bờ tuyệt diệt.

 Voọc chà vá tập leo cây. Ảnh: VQG Cát Tiên
Voọc chà vá tập leo cây. Ảnh: VQG Cát Tiên.

Hầu hết những con thú được đưa đến đảo Tiên đều trong tình trạng bị stress, ốm yếu, còi xương, nhiễm giun, ghẻ lở hoặc mang thương tật: mắt mờ, tai điếc, cụt tay, què chân, gù lưng... Đích thân Marina cùng các chuyên gia khám, phân loại rồi thả thú vào một trong 10 chiếc lồng sắt lớn (được lắp ghép trên diện tích 700m2) để tiện cho việc chữa bệnh. Nhiều đêm họ thức trắng đút sữa, tiêm thuốc để cứu những con thú bị bệnh, suy nhược gần chết.

Khi đã lành vết thương, chúng được thả ra khu vực bán hoang dã rộng khoảng 2.000m2 (có hàng rào bảo hộ bằng điện nên nội bất xuất ngoại bất nhập) để phục hồi bản năng giống loài như đánh đu, leo trèo, chuyền cành.

Trong khi xem con vượn nhỏ mạo hiểm nhảy từ cây này sang cây kia, vượt qua các cành cây cao và chuyền cành vun vút, một tình nguyện viên nước ngoài làm việc tại đảo nói: Đó là Misu mới hơn 5 tuổi. Khi được đưa đến đảo, Misu nhỏ xíu, còi cọc, luôn nép mình ở góc chuồng nhưng dần dà cô được những con vượn khác dạy cách chuyền cành như một con vượn thực sự.

Ông Lương Văn Hiến – Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (VQG Cát Tiên) cho biết đến nay đã có 44 con vượn, voọc, cu li... thuộc những loài nguy cấp quý hiếm, có tên trong sách đỏ được đưa đến cứu hộ tại đảo Tiên, trong đó 17 con được thả về rừng.

Đảo Tiên còn có khu bán hoang dã rộng 20 héc ta để chúng học cách tự kiếm thức ăn, loại bỏ những tập tính do con người thuần hóa nhằm thích nghi dần với đời sống hoang dã. Lúc ở trong lồng sắt, chúng thường xuyên được K’Wài (người Mạ, thổ địa của đảo Tiên) tập cho ăn các loại lá, đặt biệt là lá kẹt (vị chua và có công dụng giảm cơn khát) nên khi được thả ra khu bán hoang dã, Mei Lee mê tít những chùm lá non của loại cây này cùng với lá sung, bằng lăng... Cô và những con vượn khác còn thi nhau săn kiến, mối và một số côn trùng khác trên cành và trong hốc cây.

“Phải mất vài năm để thay đổi dần tập tính ăn uống từ thịt và sữa gia súc sang các loại côn trùng, lá và trái cây rừng như thế” - anh K’ Wài tiết lộ rồi nói thêm: Nhờ vậy bộ lông của chúng ngày càng mịn màng và cơ thể săn chắc hơn. Chúng cũng gần như không được tiếp xúc với con người nữa bởi nếu quen hơi người, sau này lại tìm đến các khu dân cư gần VQG thì rất nguy hiểm.

Công đoạn cuối cùng thả thú về rừng để tái hòa nhập cuộc sống hoang dã cũng rất công phu. TS Marina dành cả tháng lội khắp các cánh rừng để chọn nơi có sinh cảnh phù hợp, đảm bảo lượng thức ăn cần thiết, đặc biệt là theo dõi tập tục, phong cách, cá tính của từng bầy thú hoang, tìm cho được bầy thú hiền và có những yếu tố tương thích để những con linh trưởng được cứu hộ ở đảo Tiên có thể nhập đàn.

Mỗi con thú sẽ được gắn một con chip để theo dõi trước khi thả về rừng. “Nếu không được bầy đàn chấp nhận, con mới thả sẽ bị cả bầy đánh chết” – TS Marina nói. Sau đó các nhân viên của đảo lại vất vả gùi hàng tá thiết bị lội suối trèo non dò tìm tín hiệu sóng, định vị vị trí những chú vượn vừa thả về rừng và lặng lẽ theo chân chúng. Chỉ đến khi phát hiện chúng có lãnh địa riêng, hòa nhập tốt với môi trường tự nhiên mới có thể yên tâm phần nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG