Trượt băng Pháp rúng động vì scandal lạm dụng tình dục

Scandal lạm dụng tình dục liên quan đến cựu VĐV Abitbol đặt ra những dấu hỏi về các vụ việc ở môn trượt băng.
Scandal lạm dụng tình dục liên quan đến cựu VĐV Abitbol đặt ra những dấu hỏi về các vụ việc ở môn trượt băng.
Làng thể thao Pháp rúng động trước cuộc điều tra liên quan đến scandal lạm dụng tình dục liên quan ở môn trượt băng. Cụ thể, cựu VĐV trượt băng Sarah Abitbol tố cáo bị cựu HLV Gilles Beyer hiếp dâm khi còn ở độ tuổi vị thành niên.

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Le Nouvel Observateur, Abitbol cho hay HLV Beyer đã lạm dụng tình dục cô một cách có hệ thống trong giai đoạn từ 1990 đến 1992, thời điểm cô ở ngưỡng 15-17 tuổi.

Từ lời tố cáo của Abitbol về HLV Beyer

Nữ VĐV từng giành 7 chức vô địch châu Âu trong sự nghiệp thổ lộ: “Beyer bắt đầu giở trò đồi bại. Tôi bị hiếp dâm ở độ tuổi 15. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời một người đàn ông xa lạ chạm vào cơ thể tôi".

Cô tiết lộ cha mẹ mình cũng như các quan chức quản lý bộ môn trượt băng đều không biết chuyện này. Tuy vậy, sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, Abitbol đã quyết định đưa vụ việc ra ánh sáng. Mọi chuyện không dễ dàng bởi ngay khi khởi kiện, Jean-Francois Lamour, Bộ trưởng thể thao Pháp khi đó lại khước từ lời tố cáo của cô. Vị bộ trưởng này đã thừa nhận sai lầm của mình: “Đúng, chúng tôi có hồ sơ liên quan đến vụ việc của Beyer, nhưng đã nhắm mắt cho qua vụ việc”.

Giờ thì mọi chuyện đã thay đổi khi cuộc phỏng vấn ấy tạo ra ảnh hưởng về pháp lý. Công tố viên Remy Heitz khẳng định sẽ tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra những nạn nhân khác bị đối xử như Abitbol. Bên cạnh người phụ nữ 44 tuổi này, còn có 3 VĐV trượt băng và 2 HLV nữa, đều là những thành viên của Liên đoàn trượt băng Pháp (FFSG), tố cáo HLV Beyer lạm dụng tình dục hay hiếp dâm khi họ còn nhỏ tuổi.

Về phần mình, Abitbol đã từ chối lời xin lỗi từ HLV Beyer và khẳng định cô muốn những người có liên quan ở cả cấp độ liên đoàn phải chịu trách nhiệm cho scandal này. Sau khi huấn luyện Abitbol, HLV Beyer đã chuyển sang dẫn dắt đội tuyển trượt băng Pháp.

Đầu năm 2000, ông bị dính vào hai cáo buộc về những hành vi thiếu chuẩn mực. Riêng cáo buộc thứ hai do Bộ Thể Thao Pháp tiến hành điều tra, vị HLV này đã có những hành vi thiếu đứng đắn với các VĐV trượt băng. Hậu quả, hợp đồng cố vấn kỹ thuật của Beyer đã bị hủy bỏ vào năm 2001.

Abitbol không cô đơn trong vụ việc, khi nhiều VĐV thể thao hàng đầu của Pháp đã cùng nhau ký một lá thư bày tỏ sự ủng hộ cho cựu VĐV trượt băng này. Họ cảm thấy xấu hổ nhưng không hề ngạc nhiên với vụ việc nói trên. Trong thư có đoạn: “Chúng tôi không thể im lặng được nữa. Đã đến lúc phải hành động và nhận ra việc phá vỡ sự im lặng đem lại lợi ích cho thể thao”.

Dấu ấn của Abitbol với thể thao Pháp nói chung và bộ môn trượt băng nói riêng không hề nhỏ chút nào. Bà cùng Stephane Bernadis đã cùng nhau 10 lần vô địch quốc gia. Ở giải vô địch trượt băng thế giới năm 2000, họ trở thành cặp VĐV trượt băng Pháp đầu tiên giành ngôi cao nhất sau gần 70 năm.

Dấu hỏi cho các quan chức, đặc biệt là ông Gailhaguet

Gilles Beyer là thủ phạm chính của vụ việc, thế nên ông sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì mình đã làm với các VĐV, bao gồm Abitbol. Mặt khác, trách nhiệm của người đứng đầu bộ môn trượt băng ở xứ sở lục lăng là không thể bỏ qua.

Sau những cáo buộc liên quan đến làng trượt băng Pháp, các quan chức thể thao nước này đã hướng những nghi vấn về Didier Gailhaguet, người đứng đầu bộ môn trượt băng nước này hơn 20 năm qua trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các môn thể thao trên băng của Pháp (FFSG) từ năm 1998.

Hôm thứ Hai vừa rồi, Bộ trưởng thể thao Pháp Roxana Maracineanu đã yêu cầu ông Gailhaguet phải từ chức nếu ông có liên quan đến những bê bối tình dục vừa qua.

Nhà vô địch muôn trượt băng Gwendal Peizerat mô tả Gailhaguet như sau: “Gailhaguet đích thị là một kẻ xảo quyệt. Nếu chúng tôi giành chiến thắng, công lao là của ông ta. Ngược lại, nếu chúng tôi thất bại, lỗi nằm ở chúng tôi vì không chịu nghe lời ông ta. Chống lại ông ta coi như chúng tôi không được chào đón ở môn thể thao này”.

Vị thế không thể lung lay của Gailhaguet được minh chứng rõ nhất qua màn cãi cọ ở Thế vận hội mùa đông năm 2002 tại Salt Lake, Mỹ. Khi ấy, Marie-Reine Le Gougne thừa nhận những sai lệch trong việc chấm điểm các cặp VĐV tranh tài ở môn trượt băng dưới sự chỉ đạo từ ông Gailhaguet. Vụ scandal này khiến Liên đoàn trượt băng thế giới (ISU) phải thay đổi hệ thống chấm điểm, nhưng không ngăn được ông Gailhaguet tiếp tục tái đắc cử vào vị trí chủ tịch FFSG cùng năm ấy.

HLV trượt tuyết Veronique Guyon nói về ông Gailhaguet: “Vị thế chính trị của Gailhaguet rất mạnh. Khi bước vào quá trình tranh cử, ông ta luôn đầu tư hết mình. Nếu ông ta muốn thứ gì là phải làm cho bằng được. Một số người bầu cho ông ta vì nỗi lo một ứng viên khác không thể đầu tư mạnh cho môn thể thao này như ông ta”.

Về phần mình, ông Gailhaguet phủ nhận trách nhiệm của mình liên quan tới vụ việc của HLV Beyer. Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư vừa qua, ông khẳng định mình vẫn là vị chủ tịch cần mẫn và trung thực. Ông khẳng định mình không hề biết gì về vụ việc cũng như cho rằng chẳng có bất cứ mạng lưới bảo vệ nào: “Từ chức ư? Điều ấy chỉ xảy ra khi tôi nhận thấy lỗi lầm của mình. Tôi không cho rằng mình đã làm gì sai”.

Lập luận ấy của ông Gailhaguet không nhận được phản hồi tích cực. Nhiều VĐV Pháp trong đó có Sophie Moniotte, người từng hai lần vô địch môn trượt băng, tin rằng người đứng đầu FFSG biết rất rõ hành vi phạm tội với những VĐV nhỏ tuổi ở bộ môn này. Cô này khẳng định: “Dĩ nhiên ông Gailhaguet biết rõ điều đó. Tôi ngả mũ thán phục quan điểm của bà Roxana: Bà ta yêu cầu ông Gailhaguet phải từ chức”.

Không chỉ trượt băng, đã có những bằng chứng về việc một số môn thể thao khác như bơi lội hay quần vợt cũng xuất hiện các scandal liên quan đến tình dục. Cách đây vài năm, bóng đá Pháp từng điêu đứng với scandal tình dục liên quan đến Franck Ribery và Karim Benzema. Rõ ràng, thể thao Pháp đang để lộ những mặt trái đáng lo ngại về đạo đức.

Theo Theo Thể thao & văn hóa
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.