Trường Sa xuân đến, Trường Sa xuân về

Trường Sa xuân đến, Trường Sa xuân về
TPO - Trường Sa cuối năm, chuyến tàu mang hàng Tết ra đảo được gọi là “chuyến tàu chở mùa xuân ra đảo”, rồi cũng chính chuyến tàu ấy chở mùa xuân về đất liền, nơi những chiến sĩ Trường Sa gặp lại gia đình, vợ con trong niềm vui Tết đến, Xuân về.   

Cha con ngày về

Ngày chuyến tàu 561 cập cảng Trường Sa cũng là lúc thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa hết nhiệm kỳ công tác. Trong buổi liên hoan chia tay với anh em, đồng đội, thượng tá Hòa bất ngờ đọc bài thơ “mới làm từ chiều”. Những vần thơ khiến cả hội trường yên lặng như nói hộ tấm lòng của các chiến sĩ Trường Sa. “Cánh hải âu chao liệng giữa đại dương/ Bay tìm mãi trên bản đồ con sóng/ Cứ vấn vương mối tình người lính biển/ Vỗ cánh bay hoài mà không muốn rời xa/ Em trở về nơi thành phố nguy nga/ Cuộc sống bon chen có làm em phân tán/ Hãy giữ lại trong tim những phút giây lãng mạn/ Nơi đảo xa những người lính hát tình ca…”.

Ngoài bài thơ nói trên, anh Hòa còn có một tập thơ được đánh máy, in luôn trên đảo. “Những lúc có cảm xúc mình lại viết, chỉ nói lên suy nghĩ trong lòng thôi chứ cũng không phải thơ cao sang gì”, anh Hòa cho biết.

Trường Sa xuân đến, Trường Sa xuân về ảnh 1

Hai cha con thượng tá Phạm Văn Hòa và Phạm Hồng Vương gặp nhau sau hải trình từ Trường Sa về đất liền. Ảnh: Trường Phong

Cũng dễ hiểu bởi anh Hòa có hơn chục năm công tác tại quần đảo Trường Sa, hết làm chỉ huy trưởng Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, quay lại Song Tử Tây rồi về lại Trường Sa. Cũng chính vì thế, đã gần chục năm anh ăn Tết ngoài đảo với anh em chiến sĩ. 

“Mình về nhưng còn trăn trở nhiều với Trường Sa. Mình tin là anh em ở lại sẽ tiếp tục xây dựng đảo khang trang, kiên cố, sạch đẹp hơn” – Thượng tá Phạm Văn Hòa, Nguyên Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa.

“Khoảng 6 – 7 năm liên tục mình không ăn Tết trong đất liền. 3 năm gần đây đều ăn Tết trên đảo Trường Sa. Tết ngoài này cũng giống trong bờ, có lễ đón giao thừa, chương trình hái hoa dân chủ, chơi trò chơi, chấm cỗ, ăn cỗ. Có chọi gà buổi sáng mùng 1, bịt mắt bắt heo…”, anh Hòa nói.

Trước khi lên tàu về đất liền mấy ngày, anh Hòa cũng đeo máy giống phóng viên, chụp ảnh các hoạt động diễn ra trên đảo. Anh bảo, chụp về nhà cho vợ và con gái xem. Con gái anh đang học năm cuối ĐH Y Huế. Hành trang người lính mang về dịp Tết chẳng có gì ngoài những bức ảnh vì “Trường Sa làm gì có quà gì mà mang về”. 

Thêm một niềm vui với anh Hòa khi con trai anh – chiến sĩ Phạm Hồng Vương cũng hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây, theo tàu 996 về đất liền ăn Tết Bính Thân 2016. “Cả chục năm mới có một cái Tết đầy đủ gia đình”, anh Hòa chia sẻ.

Theo tàu 561 ra công tác tại Trường Sa dịp này, Trung úy Phan Thanh Tùng, phân đội trưởng Pháo 85 sẽ đón cái Tết thứ hai xa đất liền. Trước đó, anh công tác tại Nam Yết từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2015. Lúc lên tàu ở Cam Ranh, anh gọi cho vợ để nghe thêm một tiếng con gọi “ba, ba”. 

Anh kể, vừa cưới vợ được 7 ngày thì anh lên đường công tác ở Nam Yết. “Ngày 12/7/2014, mình lấy vợ. Ngày 21/7 mình lên tàu. Người vợ nào cũng vậy thôi, nếu lấy bộ đội, chiến sĩ hải quân thì chịu thiệt thòi rất nhiều. Thiếu vắng tình cảm, không có chồng bên cạnh, đặc biệt là trong những ngày Lễ, ngày Tết”, anh Tùng nói.

Niềm vui “lên chức bố” đến khi anh Tùng đang ngoài đảo Nam Yết. Rồi ngày anh về phép khi con đã 7 tháng tuổi. “Hôm về, mình thấy nhiều người vợ, người mẹ đứng chờ chồng, chờ con. Mình nghĩ vợ sẽ ôm con đi theo, nhưng chỉ thấy vợ thôi. Hóa ra cô ấy và gia đình thống nhất nhờ một người mình không biết bế con xem mình có nhận ra không. Mình đã nhìn ảnh con trên điện thoại nên nhận ra ngay vì có nhiều nét giống”, anh Tùng cười. Anh kể, lần đầu tiên bế con, bị lạ hơi, con khóc rất nhiều. “Mình đùa vợ là ở nhà có cho ai bế con không mà ba về lại không cho bế thế này”.

Trước khi lên tàu, dù biết ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trên hết, nhưng anh cũng suy nghĩ nhiều, lo cho vợ con ở nhà buồn khi không có chồng, cha bên cạnh. “Những ngày Tết, người phụ nữ bình thường thì được chồng đưa đi chơi, mua sắm, còn vợ mình – lấy chồng hải quân thì không được như vậy. Thấy cô ấy thiệt thòi nhiều quá”, anh Tùng nói. Tuy nhiên, anh bảo, vì có con nhỏ rồi nên vợ ở nhà cũng được an ủi phần nào. “Lúc đi mình chỉ nói bố đi công tác đây. Mẹ và con ở nhà giữ sức khỏe. Bố đi rồi bố lại về”, anh Tùng kể.

Anh em hội ngộ giữa trùng khơi

Đêm 18/1, trên tàu 561, hai anh em ruột Nguyễn Quang Ngọc và Nguyễn Lệ Sơn (Quảng Bình) gặp nhau giữa biển Trường Sa. Trung úy Nguyễn Quang Ngọc theo tàu ra phụ trách công tác quân y tại điểm đảo Đá Đông C, còn thượng úy Nguyễn Lệ Sơn kết thúc nhiệm vụ Trợ lý tham mưu trên đảo Trường Sa Đông. 

“Nếu tính thời gian thì phải hơn 2 năm, vì từ lúc anh Ngọc đi làm nhiệm vụ, nghỉ phép, rồi huấn luyện để sang đảo mới hai anh em chưa có dịp được gặp nhau”, anh Sơn nói. Tuy nhiên, do ngày hôm trước anh Sơn lên tàu thì ngay sáng hôm sau anh Ngọc phải rời tàu vào đảo nên hai anh em có rất ít thời gian nói chuyện.

Trường Sa xuân đến, Trường Sa xuân về ảnh 2

Trung úy Nguyễn Quang Ngọc (phải) và em trai - Thượng úy Nguyễn Lệ Sơn. Ảnh: Trường Phong

“Anh em trai với nhau cũng không có nhiều chuyện để nói. Chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe, công tác. Cũng không ăn với nhau bữa cơm nào vì tàu bố trí ăn uống ở hai khu vực khác nhau. Còn phải để thời gian cho anh Ngọc sắp xếp quân tư trang vào đảo nữa”, Sơn nói.

Anh Ngọc trước đây từng công tác tại điểm B đảo Đá Đông từ  tháng 1/ 2014 đến tháng 8/2015. “Trước khi mình ra đảo Đá Đông B thì mẹ bị ung thư. Sau khi mẹ phẫu thuật, điều trị được mấy tháng thì mình nhận nhiệm vụ ra công tác tại Trường Sa”, anh Ngọc kể. 

Theo anh Ngọc, dù mẹ bị bệnh, nhưng nhiệm vụ Tổ quốc cần thì anh vẫn xin tình nguyện lên đường. “Trong thời gian ở ngoài đảo, mình thường xuyên gọi điện hỏi thăm mẹ ở nhà. Cũng cố gắng động viên mẹ ăn uống, khuyên mẹ 1 tháng phải đi tái khám ở bệnh viện 1 lần, đảm bảo sức khỏe để ngoài này con yên tâm công tác”, anh Ngọc nói.

Anh Ngọc sinh năm 1983. Đến nay, anh vẫn chưa lập gia đình dù em trai (SN 1985) đã yên bề gia thất. Nguyễn Lệ Sơn chia sẻ, sau khi anh trai tình nguyện ra Trường Sa, chờ sức khỏe mẹ ổn định, Sơn cũng viết đơn xin ra Trường Sa.

“Mình cưới vợ được khoảng 3, 4 ngày thì lên tàu đi làm nhiệm vụ. Xa cách đằng đẵng, cũng chỉ biết nói là anh đi làm nhiệm vụ vì biển đảo chứ không biết nói gì nữa”, anh Sơn nói và chia sẻ thêm, đợt này về nghỉ phép, nghỉ Tết sẽ dành thời gian chăm sóc để bù đắp tình cảm cho người vợ trẻ, dành thời gian quan tâm đến sức khỏe của mẹ và gia đình.

“Hai anh em Nguyễn Quang Ngọc và Nguyễn Lệ Sơn, dù điều kiện hoàn cảnh mẹ bị bệnh nặng như thế, nhưng vẫn viết đơn tình nguyện ra Trường Sa, ra tuyến đầu phục vụ và bảo vệ Tổ quốc rất đáng quý, cần nêu gương để các chiến sĩ học tập, noi theo” – Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146.

MỚI - NÓNG