Trưởng phòng đánh tráo thân phận, Phó phòng bị 'tố' chưa tốt nghiệp THPT

TPO - Trong khi tổ công tác của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đang làm việc với nhiều đầu mối khác nhau để xác định những cá nhân, đơn vị liên quan tới việc đánh tráo nhân thân của nữ Trưởng phòng Quản trị, thì một tổ công tác khác sắp được thành lập để xác minh thông tin nữ  Phó phòng Hành chính-Tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh ủy chưa có bằng tốt nghiệp THPT.

"Việc Báo chí tích cực đồng hành với tỉnh trong quá trình phát hiện và làm rõ các góc khuất về nhân thân của nữ Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy là điều cần thiết và đáng hoan nghênh”, đó là quan điểm của lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk được ông Nguyễn Cảnh-Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khẳng định trong cuộc giao ban báo chí định kỳ hằng tháng vào chiều nay (14/10).

Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng cho rằng một số báo đã đăng tin thiếu chuẩn mực về ngôn ngữ, cách biểu đạt, khai thác quá mức cần thiết về vụ việc này.

“Có quá nhiều bài báo đăng tải về vụ việc, đặc biệt là từ ngày 4-11/10, chúng tôi tổng hợp được có tới 119 bài báo đưa tin về vụ việc”, ông Nguyễn Cảnh nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tý-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nếu tính hết số báo điện tử và các trang mạng, thì lên đến hơn 250 bài đã đăng về nữ Trưởng phòng đánh tráo thân phận.

Trưởng phòng đánh tráo thân phận, Phó phòng bị 'tố' chưa tốt nghiệp THPT ảnh 1 Ông Nguyễn Cảnh chủ trì giao ban báo chí tại Tỉnh ủy Đắk Lắk
Trưởng phòng đánh tráo thân phận, Phó phòng bị 'tố' chưa tốt nghiệp THPT ảnh 2  Ý kiến của đại diện lãnh đạo Công an tỉnh 

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã giao Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức xác minh về quá trình tuyển dụng, đề bạt bà Trần Thị Ái Sa (giả). “Hiện việc này vẫn đang được tiếp tục triển khai một cách thận trọng, kỹ lưỡng, không thể nóng vội. Vì bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) là cán bộ của Tỉnh ủy, nên khi đã rõ các sai phạm, tùy mức độ vi phạm, Thường trực Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra hoặc cơ quan Điều tra để xử lý nghiêm minh, kể cả xử lý những người tiếp tay để bà Sa (giả) đánh tráo nhân thân, theo đúng các quy định của Đảng, của pháp luật”, ông Nguyễn Cảnh, Phó ban tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định.

Phó phòng bị 'tố' chưa tốt nghiệp THPT 

Một “sự cố” khác cũng vừa xảy ra tại Phòng Hành chính-Tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, đã bị mạng xã hội tung tin, là vụ bà B.T.T- người vừa được bổ nhiệm Phó Phòng trong năm 2018, cũng chưa tốt nghiệp THPT.

Trả lời các phóng viên tại cuộc họp giao ban báo chí, ông Nguyễn Cảnh xác nhận có nghe tin nhưng chưa rõ: “Chúng tôi sẽ đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy sớm trả lời "Có" hay "Không" về trường hợp có nghi vấn gian lận bằng cấp này cho báo chí cùng biết”, ông Cảnh nói.

Trao đổi với báo Tiền Phong về vấn đề này sau cuộc họp, một cán bộ lãnh đạo của Văn phòng Tỉnh ủy cho biết cơ quan này đã yêu cầu bà B.T.T, phải làm bản giải trình. Theo giải trình tự viết, bà T. đã xác nhận bà chỉ học đến lớp 11. Những vấn đề khác như lâu nay bà T. dùng bằng cấp gì để thăng tiến, thì Văn phòng Tỉnh ủy đang chuẩn bị ra quyết định lập Tổ xác minh để rà soát cho kỹ lưỡng, thấu đáo. 

Ông Bạch Văn Mạnh-tân Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, người đã ký quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa lên Trưởng phòng Quản trị và bà B.T.T lên Phó phòng Hành chính-Tiếp dân cho biết: "Khi tôi từ huyện Krông Bông về Văn phòng Tỉnh ủy thì mấy bà này đã công tác ở đây lâu rồi, và đã được đưa vào quy trình đề bạt từ trước đó. Tôi không rõ quá trình tuyển dụng cán bộ nhân viên vào cơ quan Tỉnh ủy khi đó về công tác tổ chức đã được thực hiện như thế nào. Thực trạng này cho thấy sẽ phải rà soát lại hàng loạt trường hợp hồ sơ cán bộ nhân viên khối Đảng trước khi Đại hội Đảng sắp tới diễn ra". 

Ngày 4/10/2019, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức cuộc gặp “nóng” với báo giới, cung cấp thông tin kết quả xác minh đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa sử dụng cả họ tên, bằng cấp của chị gái ruột để được vào làm việc tại cơ quan Đảng.

Đơn tố cáo của người dân nêu tên thật của Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) là bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) chứ không phải là Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973). Bà Sa thật chính là chị ruột bà Thảo, hiện đang là hộ lý của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Gia đình bà Sa có 12 thành viên, nhưng trong sơ yếu lý lịch bà Thảo khai chỉ có 4 thành viên.

Ông Nguyễn Thượng Hải xác nhận, đơn tố cáo của người dân là đúng. Bà Thảo có giải trình về vụ việc này đồng thời xin thôi việc. “Thời điểm xảy ra sự việc, tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chính vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn. Nên tôi mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm. Chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác. Qua làm việc, tôi thấy việc làm của tôi là sai trái và xin thành khẩn nhận khuyết điểm của mình và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức. Tôi nhận thấy bản thân đã vi phạm và xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy”- Trích bản giải trình của nữ Trưởng phòng Hành chính - Quản trị man khai nhân thân lý lịch, người tới lúc này vẫn ký tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.