Nữ trưởng phòng giả mạo: Kết nạp Đảng người này, chỉ xác minh người kia

TP - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết trong quy trình chuẩn bị kết nạp Đảng cho bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả), Đảng ủy của đơn vị này đã gửi công văn đề nghị giúp xác minh lai lịch Trần Thị Ngọc Ái Sa cho Đảng ủy phường 4, TP Đà Lạt. Phóng viên Tiền Phong đã đến tận nơi tìm hiểu xem “kẽ hở” từ đâu.

Ngày 9/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lâm Dũ Hùng - Bí thư Đảng ủy phường 4, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận, tháng 9/2012 Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có gửi công văn qua đường bưu điện cho Đảng ủy đề nghị xác nhận giúp hồ sơ. Nhưng không nhờ xác minh gì về người đang mang họ tên Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) sắp được kết nạp Đảng, mà chỉ nhờ xác nhận thông tin về đảng viên Trần Thị Ngọc Ánh, người đang sinh hoạt tại địa phương, là chị gái của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (thật).

Ông Lâm Dũ Hùng cho biết, tất cả những trường hợp xác minh lý lịch liên quan đến việc kết nạp đảng viên, Đảng ủy phường 4 đều có ghi chép lại trong một cuốn sổ.

Nữ trưởng phòng giả mạo: Kết nạp Đảng người này, chỉ xác minh người kia ảnh 1 Ông Lâm Dũ Hùng - Bí thư Đảng ủy phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trao đổi với phóng viên

“Theo quy định, nếu trong gia đình có người đã vào Đảng, thì coi như đã được làm kê khai, điều tra lý lịch. Trong trường hợp này, bà Sa (giả, ở Đắk Lắk) khai có chị Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên đang sinh hoạt đảng tại đây nên Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ nhờ Đảng ủy phường 4 xác minh về đảng viên Ngọc Ánh. Chúng tôi không lưu văn bản đã xác minh, chỉ nhớ bà Ánh lúc đó là đảng viên, Phó bí thư Chi bộ Trường Mầm non Anh Đào nên xác nhận như vậy thôi” - ông Hùng nói.

Bí thư Đảng ủy phường 4 khẳng định, việc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk gửi công văn qua đường bưu điện đề nghị xác minh đảng viên là không sai quy định. Phải chăng đây chính là kẽ hở để kết nạp đảng cho người giả mạo nhân thân?

Rối rắm thân nhân kẻ mạo danh

Tên khai sinh của Trần Thị Ngọc Thêm chỉ lộ ra qua bản tường trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (thật) - nữ hộ sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mới khẳng định: Trần Thị Ngọc Thêm, Trần Thị Ngọc Thảo hay “Trần Thị Ngọc Ái Sa” đều là một.

“Qua làm việc, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thừa nhận hồi nhỏ, bà có tên “cúng cơm” là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn, và hiện nay mọi người trong gia đình đều quen gọi bà là Trần Thị Ngọc Thảo”- Tối 8/10/2019, sau khi báo Tiền Phong đã đăng bài về việc tìm ra tên thật của bà Sa (giả) là bà Thêm chứ không phải là bà Thảo như văn bản Tỉnh ủy đã cung cấp, thì ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mới giải thích lý do phát sinh rối rắm này.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Bí thư Đảng ủy phường 6, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thì xác nhận bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (bà Sa thật, sinh năm 1973) đang cư trú tại tổ 17, phường 6, đến thời điểm này chưa vào Đảng. Theo bà Hiếu, từ trước đến nay, Đảng ủy, chi bộ chưa nhận bất cứ giấy tờ gì của tỉnh Đắk Lắk đề nghị địa phương xác nhận lý lịch cho bà Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Sáng 9/10 trả lời báo Tiền Phong vì sao Tỉnh ủy Đắk Lắk đến nay không cử người đến tận nơi xác minh bà Sa (giả) tên thật là gì, ông Phan Xuân Lĩnh - Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết “Anh em mới đi hồi đêm”!

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.