Chỉ đến khi có đơn tố cáo nặc danh gửi cùng lúc đến nhiều địa chỉ (7 cơ quan Đảng thuộc Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, Phòng PA83 Công an tỉnh và Văn phòng báo Tiền Phong tại Đắk Lắk), thì việc xác minh mới được tiến hành.
Ngày 22/8/2019 báo Tiền Phong nhận được đơn nặc danh tố cáo bà Trần Thị Ngọc Thảo đã lấy họ tên, bằng cấp của chị ruột là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa để tiến thân. Bố mẹ chị em Sa-Thảo có tới 12 người con, 4 trai 8 gái, nhà ở đường Bùi Thị Xuân phường 2, TP Đà Lạt. Bà Sa thật hiện đang là hộ lý khoa Sản, công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Bà Thảo đánh tráo tên họ nhân thân đang là Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tìm hiểu nhanh, báo Tiền Phong thấy đơn tố cáo có căn cứ.
Đại diện báo Tiền Phong trao đổi về vấn đề này với một vị lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Vị lãnh đạo xác nhận cũng vừa biết tin. Dù đơn nặc danh nhưng nội dung rõ ràng nên Tỉnh ủy nhanh chóng lập đoàn xác minh. “Đây là vấn đề nghiêm trọng, đề nghị báo Tiền Phong khoan đăng, chờ Tỉnh ủy xác minh, khi có kết luận chúng tôi sẽ cung cấp ngay cho báo Tiền Phong”- Vị này đề nghị.
Quá trình xác minh trong gần 1 tháng, đến 17/9 có kết luận. Do Chánh văn phòng Tỉnh ủy đi công tác nước ngoài, phải chờ, nên đến ngày 3/10 ông Nguyễn Thượng Hải, tân Chánh văn phòng Tỉnh ủy mới công bố được thông tin.
Sau thời gian nghỉ học sớm làm thợ cắt tóc gội đầu, bà Thảo theo chồng sang Đắk Lắk. Năm 1999 bà Thảo mạo danh chị gái là Ái Sa, dùng bằng cấp của bà Ái Sa nộp kèm hồ sơ xin việc tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Công ty xuất nhập khẩu 2/9 (doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk). Trong lý lịch xin việc bà Thảo (lấy tên chị gái là Sa) khai gia đình chỉ có 4 người con, không có tên Trần Thị Ngọc Thảo. Dù học vấn chỉ qua cấp THCS, bà Thảo vẫn dùng bằng tốt nghiệp PTTH của bà Ái Sa để học trung cấp kế toán.
Từ năm 2002-2005, bà Thảo làm kế toán cho một khách sạn tư nhân ở TP. Buôn Ma Thuột. Giai đoạn 2005-2009 bà Thảo làm kế toán tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Tại đây, bà Thảo theo học đại học từ xa (Đại học Đà Nẵng) lấy bằng Đại học Kế toán. Năm 2007, bà Thảo được bổ nhiệm là Kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk; từ tháng 10/2009, được điều động về làm Kế toán trưởng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Trong bản lý lịch đảng viên lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, bà Thảo khai gia đình có 11 người con, vẫn không có tên Trần Thị Ngọc Thảo, chỉ có Trần Thị Ngọc Ái Sa. Năm 2015, Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) được bổ nhiệm làm Phó phòng Quản trị, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy. Năm 2016 Ái Sa (giả) được trao quyết định bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Người “để lại ghế” Trưởng phòng Quản trị cho bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) là ông Trần Xuân Bảy. Ông Bảy qua làm giám đốc Nhà khách tỉnh Đắk Lắk (ông Bảy vừa bị kỷ luật khiển trách vì sa thải nhân viên trái luật, bị Tòa xử buộc Nhà khách phải bồi thường-báo Tiền Phong đã đăng). Người ký quyết định bổ nhiệm Ái Sa (giả) lên Trưởng phòng là ông Bạch Văn Mạnh- lúc đó là Chánh văn phòng Tỉnh ủy, nay là tân giám đốc Sở Nội vụ ( có quyết định nhận nhiệm vụ tại Sở Nội vụ từ ngày 1/10).
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bạch Văn Mạnh cho biết thời điểm đó, ông vừa chuyển từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Chánh văn phòng. Trước đó, bà Sa đã được kết nạp Đảng, và đã là Phó phòng Quản trị. Tại thời điểm bổ nhiệm, phòng này có 2 phó, bà Sa được tập thể bỏ phiếu tín nhiệm cao hơn, nên việc đề bạt hoàn toàn đúng quy trình. Vấn đề là ai đã tiếp nhận bà Sa (giả) từ Nhà khách tỉnh sang Tỉnh ủy? Quá trình xác minh lý lịch, nhân thân bà Sa (giả) để kết nạp bà vào Đảng như thế nào, ông Mạnh không biết.
Nữ cán bộ Tỉnh ủy làm việc thân gần bà Ái Sa (giả) nhiều năm là bà Triệu Thị Ngoan cho biết: Khi kết nạp bà Sa vào Đảng, Tỉnh ủy không cử cán bộ nào trực tiếp sang Lâm Đồng xác minh, mà chỉ gửi hồ sơ qua đường bưu điện (đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan và cấp ủy của tổ chức Đảng bên Lâm Đồng xem xét, xác nhận). Một cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định khoảng 10 năm trước chưa có quy định về xác minh nhân thân chặt chẽ như bây giờ. Trường hợp nào có vấn đề đáng nghi vấn về lịch sử chính trị mới phải đi thẩm tra.
Trả lại đúng tên mình
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Thượng Hải cho biết: Cô ấy đã xác nhận toàn bộ nội dung tố cáo là đúng, đã nhận toàn bộ sai phạm, sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật, đồng thời xin nghỉ việc. Trong thời gian chờ cấp trên xem xét, xử lý theo quy trình, cô ấy xin nghỉ phép, bảo không còn mặt mũi nhìn ai. Sai thì phải chịu thôi! Tiếc là cái sai này nghiêm trọng quá, cô ấy không còn cơ hội nào để khắc phục và trở lại làm việc trong bộ máy cán bộ, công chức nữa. Nhưng dù sao, ít nhất thì cũng nhờ thế mà cô ấy được trả lại đúng tên họ nhân thân của mình, cất được gánh nặng lo sợ vì mạo danh sai trái suốt hai mươi năm qua.
Tiếp tục xem xét trách nhiệm
“Ðối với xã hội bây giờ, đây là chuyện lỏng lẻo đến bất ngờ về công tác cán bộ. Nhưng hồi đó phía Ðà Lạt-Lâm Ðồng xác nhận có gia đình bà Sa ở địa phương, và bà Sa đã học hành như thế, nên bên này cứ thế kết nạp Ðảng thôi. Tỉnh ủy Ðắk Lắk sẽ tiếp tục rà soát, xem ai đã tiếp nhận, đề bạt, cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm về vụ việc này, để xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của Ðảng, và pháp luật của Nhà nước” -Một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy tỉnh Ðắk Lắk (đề nghị không nêu tên) cho biết.