Trường mầm non “trắng” nhân viên y tế

Một giờ học tại trường Mầm non huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam.
Một giờ học tại trường Mầm non huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Nhiều nơi ở tỉnh Thanh Hóa “trắng” nhân viên y tế tại các trường mầm non (MN), khiến cho nhiều người dân hết sức lo lắng.

Năm học 2016-2017, Trường MN xã Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa) có 310 trẻ ở 9 nhóm lớp, 100% các cháu ăn bán trú tại trường. Từ khi thành lập trường (năm 1993) đến nay, nhà trường chưa có một nhân viên y tế (NVYT) nào dù chỉ là hợp đồng.

Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2011, ngoài trang bị đủ các phòng chuyên môn phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, trường cũng có 1 phòng dành riêng cho công tác y tế. Tuy nhiên, do không có NVYT nên phòng y tế này chỉ có 1 tủ thuốc rất nhỏ với vài loại thuốc đơn giản. Vì vậy, nếu có trẻ bị ốm bất thường, tai nạn thương tích các cô giáo chỉ kiểm tra, xử lý sơ qua rồi chuyển các cháu sang trạm y tế xã.

Tại Trường MN Đông Minh (huyện Đông Sơn), vì không có NVYT nên lãnh đạo nhà trường, trực tiếp là hiệu trưởng kiêm nhiệm luôn hoạt động của phòng y tế. Cô Lâm Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường MN Đông Minh chia sẻ: “Nhà trường có 1 cháu thường hay bị co giật nhưng lại không có NVYT nên chúng tôi lo lắm. Cả năm học, lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên theo dõi cháu, bất kể lúc ăn, lúc chơi hay lúc ngủ.

Vì thế, mong muốn của nhà trường là có 1 NVYT được biên chế để chăm sóc trẻ tốt hơn”. Còn Trường MN Đông Xuân, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), vì chưa có biên chế chính thức nên để tuyển được một NVYT có trình độ y sĩ hay bác sĩ cho phòng y tế của nhà trường là rất khó khăn. Hiện nhà trường hợp đồng với 1 NVYT, song do không có kinh phí nên NVYT này không hoạt động chuyên trách mà phải kiêm luôn việc nấu ăn cho các cháu dọn dẹp vệ sinh, vì thế chất lượng công việc chưa được như mong muốn.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục MN (Sở Giáo dục và Đào tạo), năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 655 trường MN (trong đó có 13 trường MN tư thục) nhưng chỉ có 198 trường MN có NVYT. Tại nhiều huyện miền núi, hầu hết các số trường “trắng” NVYT, như: Quan Hóa, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Lang Chánh... Các huyện khác dù có cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” như Mường Lát với 1 trường có NVYT; Thường Xuân 5 trường có NVYT... Ở các huyện miền xuôi, điều kiện kinh tế khá hơn nhưng hoạt động y tế vẫn chưa được quan tâm.

Theo tìm hiểu, ngoài những trường không có NVYT, các trường còn lại có NVYT cũng chỉ là kiêm nhiệm; phòng y tế của các trường vừa “thiếu”, vừa “yếu”, không đạt chuẩn theo quy định.

Việc nhiều trường “trắng” NVYT đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ và làm nảy sinh nhiều vấn đề. Bởi thời gian chính của các cháu là ở trường, nếu không được chăm sóc chu đáo, các cháu rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, cúm, các bệnh về răng miệng, tai nạn thương tích, sặc sữa, sặc cháo, hóc thức ăn...

Với những trường MN có giáo viên làm y tế kiêm nhiệm, do không được đào tạo sâu về chuyên môn nên việc phát hiện các triệu trứng bệnh, sơ cứu ban đầu cũng rất lúng túng. Đấy là chưa nói đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú; khâu tính toán khẩu phần ăn cũng thiếu khoa học, chưa bảo đảm đúng quy trình.

MỚI - NÓNG