PGS.TS Thái Văn Thành cho rằng: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Giáo dục Việt Nam cũng đang trên con đường hướng đến tự chủ đại học. Chủ trương của Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển thể hiện tinh thần tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế của Việt Nam hiện nay.
Nhưng thưa ông, năm nay nhiều trường đưa ra những tổ hợp bộ môn xét tuyển khiến xã hội băn khoăn. Có trường xét tuyển thêm các tổ hợp Văn - Sử - Địa, Văn - Sử - Giáo dục công dân và Địa - Sử - Giáo dục công dân cho tất cả các ngành, quan điểm của ông như thế nào?
Việc nhiều trường đưa ra những tổ hợp bộ môn xét tuyển có thể nhìn nhận từ 2 phía. Đối với học sinh, thì việc này sẽ tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Nhiều tổ hợp xét tuyển là thể hiện quan điểm giáo dục phổ thông toàn diện, tránh thiên lệch quá mức dẫn đến hiện tượng học sinh chỉ biết 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển mà gần như bỏ qua các khối kiến thức và kỹ năng khác vốn cũng rất cần cho cuộc sống và làm việc. Nhưng sinh viên được xét tuyển theo tổ hợp mới có thể gặp khó khăn hơn trong quá trình học tập.
Việc xét tuyển với một số tổ hợp chỉ lấy các môn xã hội cho các ngành kỹ thuật hoặc xét tuyển ngành ngoại ngữ mà không xét môn ngoại ngữ như trên có thể bất cập. Những sinh viên xét theo tổ hợp như vậy sẽ không có kiến thức nền tảng của ngành để theo kịp chương trình vốn được thiết kế theo xu hướng tổ hợp truyền thống. Bộ GD và ĐT nên có quy định/hướng dẫn về vấn đề này.
Việc xác định tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo có gây khó khăn gì cho quá trình đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo nói riêng, thưa ông?
Có một số ngành đặc thù cần phải có kiến thức nền tảng nhất định (ví dụ: kiến thức Toán cho ngành kỹ thuật). Nếu học sinh không có kiến thức cơ bản về môn đó sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập. Khi thiết kế chương trình đào tạo, nhà trường dựa vào hồ sơ năng lực cần hình thành cho người học. Nếu người học yếu về môn học mà ngành đào tạo yêu cầu cần nắm vững sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập cá nhân và chất lượng đào tạo nói chung.
Vậy thí sinh cần phải lưu ý những gì khi lựa chọn các tổ hợp xét tuyển mới đối với những ngành đào tạo truyền thống?
Người học nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp mới, vì thực tiễn những năm qua giáo dục Việt Nam đã chứng minh sự hợp lý của tổ hợp đối với từng khối ngành, đặc biệt là những khối ngành đòi hỏi kiến thức đặc thù. Nếu người học vẫn lựa chọn tổ hợp mới thì cần phải có quyết tâm cao trong quá trình học tập, quản lý tốt thời gian, tăng cường tư học, tự nghiên cứu.
Xin cảm ơn ông!