Cụ thể, tại trường Đại học Sư phạm TPHCM, TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng đào tạo trường cho biết, năm nay Đại học Sư phạm TPHCM sử dụng chung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố là 15,5 điểm chứ không phân theo ngành như năm trước.
“Dựa trên điểm này, trường sẽ xét tuyển các ngành từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thí sinh nên xem xét kĩ điểm trúng tuyển các năm trước của ngành mình định chọn (xem trong mục đề án tuyển sinh) và so sánh phổ điểm thi THPT QG năm nay của tổ hợp thi của mình với các năm trước để có phương án đặt nguyện vọng phù hợp nhất”, bà Hiếu khuyên.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, mức điểm xét tuyển đầu vào của 3 ngành (y đa khoa, răng hàm mặt và dược) là 21 điểm. Các ngành cử nhân còn lại là 17 điểm.
Chiều cùng ngày, trường Đại học Thủy Lợi cũng công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với các tổ hợp môn xét tuyển vào các nhóm ngành đại học hệ chính quy năm 2017.
Ông Trần Thạc, Phó phòng Đào tạo trường cho biết, đối với trường Đại học Thủy lợi Cơ sở tại Hà Nội, trường tuyển 3.120 chỉ tiêu với 14 nhóm ngành, mức điểm nhận hồ sơ vào các ngành cũng khác nhau. Trong đó, hai ngành kế toán và công nghệ thông tin có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất (17 điểm), tiếp theo là ngành kỹ thuật cơ khí, kinh tế và quản trị kinh doanh với mức 16 điểm, các ngành còn lại có mức nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15,5 điểm).
Trong khi đó, trường Đại học Thủy lợi, Cơ sở 2 tại TPHCM, ông Lê Trung Thành, Trưởng ban đào tạo trường cho biết, năm nay trường tuyển 580 chỉ tiêu với 5 nhóm ngày. Mức điểm nhận hồ sơ của các ngành đều là 15, 5 điểm.