Trường đại học ở Việt Nam: Chưa chú trọng nghiên cứu, vì sao?

Nhóm nghiên cứu là động lực để các trường ĐH phát triển nghiên cứu khoa học
Nhóm nghiên cứu là động lực để các trường ĐH phát triển nghiên cứu khoa học
TP - Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường đại học, hiện nay trong hệ thống các trường đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu. Tính trung bình một trường ĐH có 7 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhóm nghiên cứu này chưa mạnh và công bố quốc tế còn ít. Việt Nam chưa có những cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học. 

Tên tuổi của trường ĐH gắn liền với tên tuổi nhà khoa học

Tại Hội thảo quốc gia về “Xây dựng và Phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam” do trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vừa qua, GS. Nguyễn Đình Đức khẳng định chức năng quan trọng nhất của trường ĐH là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu). Trong ĐH nghiên cứu, nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Sự hình thành các NNC trong các trường ĐH như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Chính vì vậy, danh tiếng của các trường ĐH lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi các nhà khoa học phát minh ra chúng. Các nhà khoa học uy tín làm nên tên tuổi trường đại học.

Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học của mình, xây dựng được trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm các cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được nhóm nghiên cứu. Đến lượt mình, các nhóm nghiên cứu lại là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng giúp nhau tiếp cận và giải quyết các vấn đề mới của khoa học và thường thông qua các hoạt động của nhóm như seminar khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh,... NNC chính là mô hình để thông qua đó gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo.

Công bố quốc tế vẫn còn khiêm tốn

Theo kết quả khảo sát của nhóm thực hiện đề tài giải pháp xây dựng các NNC trong các cơ sở giáo dục ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học với các giảng viên ở 40 trường ĐH, kết quả cho thấy có 58,8% (127/216) khẳng định đang tham gia các NNC.

Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường ĐH, hiện nay trong hệ thống các trường ĐH đã hình thành 945 NNC. Kết quả khảo sát nhóm thực hiện đề tài cho thấy độ tuổi sung sức nhất, đông nhất của các thành viên trong NNC là ở lứa tuổi từ 35-45 là 59,2%. Từ đó cho thấy lực lượng trẻ, các TS trẻ cần được đặc biệt chú trong khi phát triển các NNC trong các trường ĐH. 

Các kết quả khảo sát cũng ghi nhận, nhiều NNC mới được tạo lập từ 2017 trở lại đây. Điều này có thể lý giải bởi áp lực của yêu cầu về công bố quốc tế với độ ngũ giảng viên và NCS. Quy chế đào tạo tiến sỹ năm 2017 mới ban hành yêu cầu giảng viên hướng dẫn và NCS đều phải có công bố quốc tế là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự hình thành các NNC mới trong những năm gần đây. Các kết quả khảo sát cho kết quả 65,3% các giảng viên tham gia các NNC đã có các công bố trên các tạp chí ISI/Scopus.

Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các NNC, công bố quốc tế của Việt Nam đã đặc biệt tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Năm 2013, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2309 bài, thì theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập đến từ ĐH Duy Tân, tính từ 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6/2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường ĐH Việt Nam hàng đầu trong danh sách này đã đạt 10.515 bài, và hơn cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015 là  10.034 bài.

Mặt khác, những tồn tại, hạn chế cũng được nhóm thực hiện đề tài chỉ rõ. Trong đó, số lượng các công bố quốc tế của các NNC còn khá khiêm tốn. Có 37,5% số thầy cô được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus, và 34,7% chưa có công bố quốc tế nào khác. Số các giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ có 34,2%, 32,9% chưa có sách chuyên khảo nào.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho các NNC còn hạn chế. Kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và thường bị cấp chậm. Cơ sở vật chất,  thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, hoặc rất thiếu, hoặc không đồng bộ. Chưa có những cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và  thúc đẩy sự hình thành và phát triển các NNC trong các trường ĐH.

“Nguyên nhân đặc biệt quan trọng là sự hội nhập quốc tế trong các nghiên cứu của các nhà khoa học và mức độ quốc tế hóa trong các hoạt động của nhiều trường đại học Việt Nam còn chưa cao. Có đến 16,7% các cán bộ giảng viên được hỏi trả lời chưa từng tham gia hội nghị quốc tế nào (được tổ chức ở trong cũng như ngoài nước)” - GS. Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT,  tính đến năm học 2016-2017 đã có 491 nhóm giảng dạy - nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo. Trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy - nghiên cứu nhất là  Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), Trường ĐH SP Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (24 nhóm), ĐHQG Hà Nội (29 NNC mạnh). 

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.