Trường đại học chấm thi có hạn chế được tiêu cực?

Thi THPT quốc gia 2018 Ảnh: Như Ý
Thi THPT quốc gia 2018 Ảnh: Như Ý
TP - Bộ GD&ĐT vừa công bố Quyết định về việc giao nhiệm vụ tổ chức thi THPT quốc gia 2019. Theo đó, thay vì phó thác việc chấm thi cho các sở GD&ĐT địa phương, năm nay các trường Đại học sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì chấm thi với hy vọng tiêu cực, gian lận thi cử sẽ được giảm thiểu.

Theo Quyết định của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ có 63 cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì, các trường ĐH, CĐ, HV… là đơn vị phối hợp tổ chức. Việc chấm thi ở mỗi cụm thi được giao cho 1 trường ĐH, HV  phụ trách. Đây là một trong những điểm mới của mùa thi 2019.

PGS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay trường được phân công phối hợp tổ chức thi tại cụm thi Thanh Hóa. Đồng thời, có nhiệm vụ chấm thi tại cụm thi này. Theo PGS. Trần Văn Tớp, việc phân công các trường chấm thi chắc chắn sẽ giảm thiểu tiêu cực thi cử so với năm vừa qua. Khó có chuyện các trường ĐH liều lĩnh như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang vừa qua.

PGS. Tớp cho hay việc nâng điểm của các trường ĐH khó hơn nhiều so với Sở GD&ĐT hay cơ quan công an tại địa phương. Vì các trường với địa phương thường không có mối “quan hệ”. Và khi kiểm soát được việc tiêu cực trong thi cử thì chất lượng nguồn tuyển của các trường ĐH cũng được tăng lên, tức là các trường được lợi khi kỳ thi được tổ chức nghiêm minh, công bằng. Chính vì vậy, PGS. Tớp nhận định với những việc xảy ra như năm 2018, chắc chắn các trường ĐH sẽ phải cử những người có trách nhiệm đi làm thi.

Trường ĐH Hà Nội cũng cho biết, trường được phân công chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình, địa phương được nhắc đến rất nhiều thời gian qua trên các phương tiện truyền thông do xảy ra vụ gian lận điểm thi. Sắp tới, trường sẽ mời cán bộ Cục Quản lý chất lượng của Bộ tập huấn thêm để nắm rõ quy trình chấm thế nào.

Cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Trưởng ban Đào tạo của một HV tại Hà Nội cho biết,  nếu nhiều người  “bắt tay nhau” phối hợp để tiêu cực thì không có một quy trình nào có thể “chống” được. Nên quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm của những người tham gia vào kỳ thi, nhất là những người đứng đầu. Các trường ĐH chấm thi nhưng nếu họ cũng có “tư tưởng” nọ kia, ai đảm bảo không có tiêu cực. Chỉ có thể nói, giao cho các trường ĐH thì  hạn chế được tiêu cực hơn mà thôi. 

Khi giao trách nhiệm cho các trường ĐH chấm thi, vai trò của họ khác với những kỳ thi THPT quốc gia trước. Những năm vừa qua họ chỉ là đơn vị phối hợp.  Trong khi đó, mục tiêu của các trường ĐH khi tổ chức kỳ thi này khác với mục tiêu của các Sở GD&ĐT. “Quan trọng nhất là ranh giới trách nhiệm giữa các đơn vị phải rõ ràng. Những người làm thi phải sợ pháp luật. Đồng thời, phải kiểm soát được sai phạm ở mức độ nào đó” - Vị trưởng ban đào tạo này cho hay. 

Vị này cũng nhận định chắc chắn năm nay mọi người làm sẽ thận trọng hơn, khó tiêu cực hơn. Cũng giống như năm 2016, năm đầu tiên triển khai một kỳ thi, mọi khâu đều tốt. Nhưng sau đó, do không có sự kiểm soát vai trò của các bộ phận, nên người ta mới nảy sinh tiêu cực.  “Quan trọng nhất là thực hiện quy trình. Nếu làm theo đúng quy trình, đúng danh phận từng người được phân công thì không bao giờ có tiêu cực” - Vị trưởng ban đào tạo này khẳng định. 

Ông cũng cho biết quy trình sắp tới chặt hơn nhưng  chưa chắc đã không có tiêu cực. Do đó, pháp luật cần nghiêm minh hơn và phải quy trách nhiệm của người đứng đầu.  Thời gian qua,  không gắn trách nhiệm của người đứng đầu mà gắn trách nhiệm với từng bộ phận nên không đủ để răn đe. 

Ông  Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho rằng với vai trò là người tổ chức tại địa phương, những kiểu gian lận thi cử như Hòa Bình, Sơn La... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Dũng khẳng định áp lực như vậy chính là nguyên nhân từ kỳ thi “2 trong 1” và đề nghị Bộ GD&ĐT khi đổi mới thi cần làm rõ để khẳng định trách nhiệm của từng đơn vị phối hợp.

  Để công nhận tốt nghiệp thì trách nhiệm của địa phương, Sở GD&ĐT phải làm. Còn tuyển sinh là việc của ĐH thì ĐH phải làm. “Hiện nay chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều. Những nơi mà người ta cố tình lợi dụng kẽ hở thì họ coi đây là sự may mắn và “cơ hội”. Còn đối với chúng tôi thì đây là việc gây áp lực kinh khủng” - ông Dũng chia sẻ. 

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không để các trường ĐH, CĐ địa phương chấm thi, coi thi tại chính nơi mình “cắm chân”. Tuy nhiên, tại các địa phương có trường ĐH của Bộ “đóng đô” thì các trường vẫn làm nhiệm vụ này bình thường như ĐH Vinh,  trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Hàng Hải...

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.