Trường có 99% học sinh là người dân tộc: Tỷ lệ học online đạt 98%

Học sinh trường Tiểu học số 3, xã Võ Lao, Văn Bàn, Lào Cai học trực tuyến
Học sinh trường Tiểu học số 3, xã Võ Lao, Văn Bàn, Lào Cai học trực tuyến
TP - Trường tiểu học số 3, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có 99% học sinh là người dân tộc thiểu số. Thế nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, 98% học sinh của trường đã tham gia học trực tuyến thường xuyên. 

Thầy Nguyễn Đức Nguyện, hiệu trưởng trường Tiểu học số 3 nói rằng, từ sau Tết Nguyên đán, do dịch COVID-19 nên học sinh không được đến lớp. Nhưng học sinh miền núi mà nghỉ học dài ngày, nhất là lớp 1 thì cái  chữ, con số lại trả hết cho thầy cô; chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ như thế nào?

Vì vậy, có thể làm được gì tốt nhất cho học sinh thì thầy cũng như giáo viên của trường đều cố gắng làm. Từ hoạt động trực tuyến tương tác công việc với giáo viên hằng ngày, thầy Nguyện nghĩ đến việc triển khai dạy trực tuyến cho học sinh. Thầy chỉ đạo tập huấn giáo viên. Khi có chủ trương của huyện, trường Tiểu học số 3 triển khai luôn. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của Lào Cai tổ chức dạy học trực tuyến.

Nhưng nếu ở thành phố, việc triển khai học trực tuyến khó khăn một thì ở khu vực miền núi  phải gấp 20 lần, thậm chí hơn thế; nhiều khi lực bất tòng tâm. Trường Tiểu học số 3  thuộc vùng khó khăn nhất của xã Võ Lao. Trường có 233 học sinh, trong đó 99% là người dân tộc thiểu số là (Tày, Xa Phó, Thái…) nên triển khai giáo dục trực tuyến vô cùng nan giải vì thiếu thiết bị, internet, nhất là đối với học sinh lớp ghép đang theo học tại điểm trường lẻ ở thôn xa. Theo tính toán của thầy Nguyện, khoảng 50% học sinh của trường hoàn toàn không có phương tiện để tham gia học trực tuyến (không máy tính, không wifi, không điện thoại có sóng 3G, 4G).

Đây là bài toán khó tìm được lời giải đối với thầy Nguyện và tập thể giáo viên trong trường. Quyết tâm khắc phục vượt khó, cán bộ, giáo viên nhà trường động viên nhau tìm mọi cách giúp học sinh. Thầy Nguyện  lập danh sách điều kiện cụ thể từng gia đình học sinh. Thầy động viên những phụ huynh có điều kiện quan quan tâm. Lúc đó, một số phụ huynh mới đi mua máy tính hoặc điện thoại thông minh cho con em học trực tuyến.

Với những gia đình khó khăn, thầy Nguyện liên hệ với cửa hàng điện thoại tạo điều kiện cho phụ huynh. Gia đình nào chưa có tiền thì cho nợ. Một số gia đình khó khăn nữa, thầy Nguyện thương lượng với chủ cửa hàng cho mượn thiết bị để học sinh có phương tiện học. Khi nào học sinh đến trường học tập trung thì gia đình mang thiết bị ra trả lại. Theo thầy Nguyện, điều may mắn nhất là nhà trường có uy tín với các cửa hàng điện thoại ở quanh khu vực.

Trường có 99% học sinh là người dân tộc: Tỷ lệ học online đạt 98% ảnh 1 Thầy Nguyễn Đức Nguyện (ngoài cùng bên phải) cùng phụ huynh học sinh vui mừng vì có thiết bị hỗ trợ học trực tuyến

Thế nên khi thầy đứng ra “bảo lãnh” giúp phụ huynh thì đều được tạo điều kiện hết mức. “Trường chấp nhận sự rủi ro, cam kết với các cửa hàng. Nhà trường cũng dặn dò, hướng dẫn phụ huynh cách bảo quản thiết bị cho con em học. Chính vì vậy, phụ huynh tin tưởng nhà trường. Thực ra khi ta đặt niềm tin với họ, họ không bao giờ phụ lòng ta. Nhà trường tìm mọi cách giúp học sinh thì phụ huynh sẽ sẵn sàng bảo vệ nhà trường”, thầy Nguyện nói.

Trái ngọt

Hiện nay,  tại trường Tiểu học số 3, 30% phụ huynh có máy tính, điện thoại tham gia hỗ trợ việc học của con, 70% còn lại không có thiết bị đã có phương tiện cho con em tham gia học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh tiếp cận được phương pháp học tập mới cũng như tỷ lệ chuyên cần trực tuyến của trường đạt 98%.

“Được học với thầy cô của mình qua internet học sinh rất vui vẻ và thích thú, riêng khối lớp 1 dù nhỏ tuổi nhất nhưng tỷ lệ tham gia đạt 100%”, thầy Nguyện chia sẻ. Hiện nay, trong số 233 học sinh của trường, chỉ còn 2 em chưa tham gia học trực tuyến được do điều kiện đặc biệt. Qua tìm hiểu, các em thường theo bố mẹ lên nương 1 - 2 ngày mới về nhà. Trên nương cao không có sóng điện thoại hay sóng wifi. Chính vì vậy, giáo viên chỉ có thể giao bài tập và tương tác với các em khi nào các em bắt được sóng.

Thầy Nguyện cho biết, hằng ngày vẫn cập nhật, nắm bắt thông tin từ các thầy cô. Mới đây, các thầy cô phản ánh mạng yếu, tương tác không ổn định, thầy lại tiếp tục xã hội hóa, mua thêm hơn 10 sim D-Com 4G trang bị cho học sinh.

Ở tỉnh Lào Cai, tỷ lệ dạy học trực tuyến trung bình toàn tỉnh chỉ đạt 6%; tính tổng tất cả hình thức (bao gồm giao phát bài trực tiếp cho học sinh làm tại nhà trong mùa dịch) thì mới đạt 20%. Ngoài một số trường tại trung tâm thành phố duy trì được tỷ lệ học trực tuyến 100%, các trường ở trung tâm huyện đều gặp khó; hầu hết các trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều phải nghỉ chờ hết dịch.

MỚI - NÓNG